Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) đề xuất trả cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 60%
CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, dự kiến diễn ra vào ngày 26/6 tại TP HCM.
Năm nay, công ty lên kế hoạch 780 tỷ đồng doanh thu, 560 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt 14%, 20% so với cùng kỳ. Mức chia cổ tức năm 2023 dự kiến là 30%.
Về sản lượng, SCS đặt mục tiêu tổng sản lượng hàng hoá năm 2023 là 182.000 tấn giảm 7% so với năm 2022. Trong đó, hàng hoá quốc tế là 132.000 tấn, hàng hoá quốc nội là 50.000 tấn.
Ban lãnh đạo công ty nhận định năm 2023, ngành hàng không trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và biến động khó lường. Do đó, SCS sẽ theo sát diễn biến của thị trường để đưa ra các kịch bản, giải pháp ứng phó để đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Trong năm nay, công ty dự kiến tham gia đầu tư nhà ga hàng hoá tại sân bay quốc tế Long Thành. Đồng thời, triển khai kế hoạch M&A đầu tư vào doanh nghiệp cùng ngành.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, SCS đề xuất phương án trả cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 60% (1 cổ phiếu nhận được 6.000 đồng). Với hơn 97,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần phải chi khoảng 585 tỷ đồng trả cổ tức.
Ngoài ra tại đại hội, công ty dự kiến bầu thành viên HĐQT, ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 – 2025.
Trong báo cáo phân tích giữa tháng 5, SSI Research cho rằng triển vọng của SCS trong năm nay có thể khá biến động và khó xác định với những lý do như địa chính trị căng thẳng leo thang, chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và tình hình kinh tế trong nước.
Theo đơn vị phân tích, doanh thu của công ty sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu trong nước và nhu cầu thế giới yếu dẫn đến sự sụt giảm sâu về sản lượng. Song, mức độ suy giảm trong thời gian còn lại của năm sẽ thu hẹp hơn so với quý I nhờ mức nền không quá cao. Bên cạnh đó là các hoạt động thương mại có thể phục hồi trong nửa cuối năm do lượng hàng tồn kho giảm và bắt đầu có nhiều đơn đặt hàng hơn.
Ngoài ra, SSI Research còn cho rằng, việc trì hoãn xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành, giúp Sân bay Tân Sơn Nhất kéo dài thời gian với vai trò là cửa ngõ duy nhất đối với hàng hóa hàng không ở miền Nam, đây là một điều rất tích cực đối với SCS.