|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 24 quận, huyện tại Hà Nội

20:35 | 14/05/2019
Chia sẻ
Từ ổ dịch lợn châu Phi đầu tiên ở phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên vào cuối tháng 2-2019 đến nay, toàn TP Hà Nội đã ghi nhận dịch xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi trên địa bàn 24 quận, huyện; với số lượng tiêu huỷ là 120.782 con.

Thông tin trên được ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y TP Hà Nội cho biết tại Hội nghị giao ban báo chí do ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 14-5.

Thông tin về diễn biến và kết quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Đến ngày 13-5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi (chiếm 9,62 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) tại 1.206 thôn, tổ dân phố/346 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện; làm mắc bệnh và tiêu hủy 120.782 con (chiếm 6,45% tổng đàn) với trọng lượng 8.165.079kg.

Theo Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y TP Hà Nội, thời gian qua dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn. Cụ thể, từ 24-2 đến 31-3, dịch bệnh xảy ra tại 127 hộ/62 thôn, tổ dân phố/34 xã, phường thuộc 12 quận, huyện. Dịch bệnh chủ yếu ở quy mô dưới 50 con, bình quân phát sinh khoảng 3,6 hộ/ngày với số lượng lợn phải tiêu hủy là 66 con/ ngày.

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 24 quận, huyện tại Hà Nội - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y TP Hà Nội: Việc người dân e ngại tiêu thụ thịt lợn khiến ùn ứ lợn đến kỳ xuất chuồng cũng là nguyên nhân khiến phát sinh dịch bệnh (ảnh V.H)

Từ 1-4 đến 30-4, dịch bệnh xảy ra tại 3.391 hộ/641 thôn/231 xã thuộc 24 quận, huyện; dịch bệnh có chiều hướng phát sinh ở các quy mô lớn hơn và trung bình phải tiêu hủy 1.631 con/ngày. Từ ngày 1-5 đến nay, dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng phát sinh mạnh và ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn; trong giai đoạn này dịch bệnh đã phát sinh thêm 4.201 hộ, 541 thôn, 106 xã; với tổng số lợn phải tiêu hủy là 67.646 con trọng lượng 4.643.319 kg; bình quân số lượng lợn phải tiêu hủy 5.204 con/ngày.

Đến nay, có phường Ngọc Thụy, quận Long Biên dịch bệnh qua trên 30 ngày không phát sinh; số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại ổ dịch cũ này là 44 con. Một số địa phương (cấp xã) dịch qua 30 ngày nhưng đã phát sinh trở lại.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, xảy ra tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó: Công tác xét nghiệm, trả lời kết quả xét nghiệm còn mất nhiều thời gian gây khó khăn trong việc quản lý, tiêu hủy lợn ốm, chết và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Việc tiêu hủy số lượng lớn lợn gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất, trong khi đó, một số nơi chưa chuẩn bị tốt phương án tiêu hủy nên khi dịch xảy ra gặp rất nhiều khó khăn khi chọn vị trí, địa điểm tiêu hủy. Việc không tiêu hủy lợn ngay để kéo dài nảy sinh việc lây lan dịch bệnh tại khu vực.

Đồng thời, giá lợn hơi trên địa bàn luôn biến động khó lường, hiện đang xuống thấp khiến người chăn nuôi không tích cực áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, một bộ phận ng[ì tiêu dùng chưa nhận thức đúng, đủ về dịch bệnh nên có tâm lý e ngại, hạn chế sử dụng thịt lợn khiến giảm tiêu dùng dẫn đến ứ đụng lợn khoẻ đến chu kỳ xuất bán. Từ đây dễ phát sinh hệ luỵ làm lây lan dịch bệnh...

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức trong, ngoài nước và nhà khoa học đánh giá trực trạng diễn biến dịch bệnh, nguy cơ và mức độ ô nhiễm khi tiêu hủy số lượng lớn lợn bệnh để hướng dẫn địa phương các giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp hiệu quả hơn. Đặc biệt là việc xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh đảm bảo ngăn chặn được virus phát sinh, phát tán không gây ô nhiễm môi trường sinh thái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không "quay lưng lại" với thịt lợn, tiếp tục tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn để tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Vân Hà