|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dịch nấm nguy hiểm trên cây chuối xuất hiện tại Mỹ Latinh

13:16 | 27/08/2019
Chia sẻ
Bệnh dịch xuất hiện đe dọa tàn phá mùa màng ở một số quốc gia xuất khẩu trái cây lớn nhất thế giới.
268

Ảnh: Reuters

Một loại nấm nguy hiểm đe dọa đến tương lai của ngành trồng chuối đã xuất hiện tại Mỹ Latinh, vùng xuất khẩu trái cây hàng đầu thế giới.

Viện nông nghiệp quốc gia Colombia (ICA) xác nhận sự xuất hiện của dịch bệnh Panama TR4 gây ra bởi một loại nấm sống trong đất đã tàn phá các đồn điền ở Đông Nam Á trong 30 năm qua. 

Loại bệnh này đe dọa chuối Cavendish, giống chuối chiếm một nửa sản lượng toàn cầu và 95% lượng xuất khẩu của thế giới.

ICA đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và mở rộng các biện pháp phòng ngừa trên toàn quốc. Lượng chuối từ các đồn điền tại Mỹ Latinh chiếm tới hai phần ba thương mại chuối toàn cầu.

Giáo sư Gert Kema, chuyên gia hàng đầu về chuối tại Đại học Wageningen, Hà Lan, cho biết sự lây lan của nấm TR4 ở Mỹ Latinh là một vấn đề rất nghiêm trọng. Đây là một căn bệnh rất khó kiểm soát.

Loại nấm này không gây hại trực tiếp đến con người nhưng nó khiến cây ngừng ra quả. Căn bệnh này lây lan qua đất và đã phá hủy các đồn điền ở châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Tại Colombia, căn bệnh này được nghi ngờ xuất phát từ tỉnh La Guajira ở phía đông bắc của đất nước vào tháng 6/2019, theo Financial Times.

Quốc gia này đã tăng cường kiểm soát vệ sinh tại tất cả cảng, sân bay và các điểm biên giới. ICA cho biết đã chặt bỏ số cây trồng trên gần 170 ha đồn điền bị cách li.

Xuất khẩu chuối là một nguồn thu quan trọng cho nhiều nước Mỹ Latinh. 

Colombia là nước xuất khẩu chuối lớn thứ 4 trong khu vực, sau Ecuador - cung cấp hơn một phần tư tổng xuất khẩu, Costa Rica và Guatemala. Chuối là mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn thứ 3 của Colombia.

268

Các quốc gia xuất khẩu chuối lớn nhất thế giới. Ảnh: Financial Times

Chuối Cavendish được tạo ra nhờ nhân bản gen đơn lẻ khiến giống chuối này dễ bị dịch bệnh. 

Trước khi Cavendish trở thành giống chiếm ưu thế, thì Gros Michel là loại chuối được tiêu thụ nhiều nhất. Tuy nhiên, giống chuối này đã bị xóa sổ vào những năm 1950 bởi đợt dịch bệnh Panama đầu tiên.

Theo các chuyên gia thực vật, trong khi các giống cải tiến của nhiều loại trái cây và rau quả liên tục được tạo ra thì ngành công nghiệp chuối chỉ dựa vào giống Cavendish mà hầu như không có nghiên cứu và phát triển nào mới.

Giáo sư Kema cảnh báo nếu các đồn điền chuối Cavendish của Mỹ Latinh bị phá hủy thì không còn nơi nào khác trên thế giới có thể thay thế.

Hiện tại chưa có cách điều trị hiệu quả cho cây chuối bị nhiễm bệnh Panama. Các nhà nghiên cứu, gồm Giáo sư Kema, đang cố gắng đẩy nhanh chương trình nhân giống để tạo ra một giống chuối kháng bệnh với hương vị và chất lượng được người tiêu dùng chấp nhận. 

Điều này sẽ mất ít nhất 5 - 6 năm, ông Kema cho biết.

Các nhà nghiên cứu khác đang nghiên cứu các phiên bản biến đổi gen của chuối.

Trong khi đó, Tropic Bioscatics, một công ty khởi nghiệp về công nghệ nông nghiệp có trụ sở tại Anh, đang hướng tới sử dụng các kĩ thuật điều chỉnh gen mới để tạo ra một loại chuối kháng bệnh Panama.

Dương Dương