Dịch COVID-19 làm tăng nguy cơ nợ xấu, hàng loạt ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng trong quí I
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều người lao động không có việc làm. Do đó, nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu cũng tăng nhanh, buộc các ngân hàng phải mạnh tay trích lập dự phòng.
Thống kê từ báo cáo tài chính quí I/2020 của 24 ngân hàng, tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng đã tăng 34% so với cùng kì năm trước với gần 21.400 tỉ đồng.
Trong đó có tới 19 ngân hàng ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng trong quí I. Nhiều ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng trên 100% như Techcombank (tăng 362%), OCB (tăng 134%), MBBank (tăng 117%), TPBank (tăng 109%) và Kienlongbank (tăng 3.350%).
Cùng với đó, tại một số ngân hàng trong cùng kì năm trước không phát sinh hoặc hoàn nhập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng có chi phí dự phòng tăng như Bản Việt (từ hoàn nhập 3 tỉ đồng đến năm nay trích chi phí 153 tỉ đồng), ACB (93 tỉ đồng), Bac A Bank (44 tỉ đồng), NCB (40 tỉ đồng) và VietABank (4 tỉ đồng).
Tại nhóm các "ông lớn" ngân hàng TMCP Nhà nước, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng khá mạnh như Vietcombank (tăng 43%), VietinBank (tăng 36%) và BIDV (tăng 17%).
Chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng mạnh ở Vietcombank, BIDV, VietinBank là nguyên nhân chính kéo tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quí I về mức âm so với cùng kì năm trước.
Ở chiều ngược lại, Sacombank, MSB, ABBank là những ngân hàng đã cắt giảm dự phòng. Hay vẫn có những ngân hàng được hoàn nhập chi phí dự phòng là Eximbank và LienvietPostBank.
Dự phòng rủi ro là khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra do khách hàng của tổ chức tín dụng không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết. Dự phòng rủi ro được tính theo dư nợ gốc và hạch toán vào chi phí hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Việc xác trích lập dự phòng rủi ro tín dụng được căn cứ vào việc phân loại nợ tại ngân hàng. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng căn cứ vào các tiêu chuẩn định tính và định lượng để đánh giá mức độ rủi ro của các khoản vay và các cam kết ngoại bảng, trên cơ sở đó phân loại các khoản nợ vào các nhóm nợ thích hợp.
Theo đó, ngân hàng sẽ tiến hành trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng, dự phòng phản ánh sự suy giảm của tài sản trước những tổn thất có khả năng xảy ra. Trong khi đó, trong bảng kết quả kinh doanh, dự phòng là một khoản chi phí phi tiền mặt, được ghi nhận làm giảm lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của ngân hàng.