|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đi tìm mô hình phù hợp cho sàn thương mại điện tử Việt Nam

07:28 | 23/11/2016
Chia sẻ
Việt Nam đang bước vào thời kỳ sung mãn của TMĐT, các mô hình phát triển nhanh, đa dạng nhưng quy mô chưa cao.

Ông Nguyễn Thanh Hưng - chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) – cho rằng Việt Nam đang bước vào thời kỳ sung mãn của Thương mại điện tử (TMĐT), giai đoạn này đánh giá là thời kỳ các mô hình phát triển nhanh, đa dạng nhưng quy mô chưa cao.

Sàn thương mại điện tử: ông lớn vào kẻ yếu ra

Tháng 9/2016, Big C Việt Nam tuyên bố sẽ đóng cửa trang thương mại điện tử CDiscount vào tháng 12 năm nay. Trước đó, vào tháng 8/2016, Lingo – Sàn TMĐT từng tuyên bố sau 2 năm sẽ đứng đầu Việt Nam – đột ngột đóng cửa không một lời báo trước. Đếm ngược trở lại có thể liệt kê Deca, Beyeu, Foodpanda và hàng loạt những đơn vị từ bỏ cuộc chơi trên chiến trường thương mại điện tử tại Việt Nam.

Nguồn lực tài chính là lý do được đưa ra giải thích cho sự đóng cửa của các sàn TMĐT. Website bán hàng online về sản phẩm đặc thù của phụ nữ, trẻ em - Beyeu.com (của Project Lana thuộc IDG) cũng đã ngừng hoạt động với lý do "kinh doanh thương mại điện tử cần quá nhiều tiền".

Ở một phương diện khác, năm 2016 cũng đồng thời đánh dấu sự gia nhập thị trường của hàng loạt ông lớn trong ngành bán lẻ. Tháng 4, Alibaba bước vào Việt Nam thông qua việc mua lại Lazada. Shopee – Sàn thương mại điện tử đã có mặt tại 6 quốc gia châu Á chính thức ra mắt người tiêu dùng Việt vào tháng 8/2016. Lotte cũng công bố trang website TMĐT của mình vào tháng 10 vừa rồi. Ở phía doanh nghiệp nội, Thegioididong đã vào cuộc chơi với trang Vuivui.com.

Tất cả những ông lớn này đều có tiềm lực lớn về tài chính với tham vọng cạnh tranh vị trí số một tại thị trường TMĐT Việt Nam. Shopee nhận nguồn đầu tư lớn từ Garena Singapore và hoàn toàn không thu bất kỳ khoản phí nào từ người dùng Việt Nam, gồm cả người mua và người bán, thậm chí tiến hành hỗ trợ chi phí vận chuyển khi giao hàng. Lotte tuyên bố sẽ giành 20% thị phần e-commerce tại Việt Nam. Thậm chí Thế giới di động mạnh miệng tuyên bố sẽ trở thành trang TMĐT số 1 tại Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn khi đóng cửa trang Deca.vn, ông Phan Minh Tâm - TGĐ 24h cho biết: "Tiềm lực tài chính của 24h vẫn dồi dào nhưng không muốn tiếp tục theo đuổi Deca.vn do thị trường thương mại điện tử có thêm nhiều DN lớn tham gia nên ngày càng cạnh tranh. Nếu tiếp tục đầu tư vào Deca.vn sẽ không đạt được mục tiêu kinh doanh".

Có thể thấy cục diện ngành thương mại điện tử đã dần hình thành, chỉ có các đơn vị có nguồn lực tài chính đủ mạnh mới trụ lại để tiếp tục cuộc chơi. Đầu tư vào sàn TMĐT bây giờ thay vì câu hỏi “Cần bao nhiêu tiền để trụ lại?” đã chuyển thành “Cần tiêu tiền như thế nào để giành được thị trường?”

Phải đi tìm một mô hình phù hợp

Việc nhiều sàn thương mại điện tử đóng cửa khiến cho doanh nghiệp và người tiêu dùng lo lắng, cho rằng TMĐT khó có thể phát triển tại Việt Nam trong giai đoạn này. Tuy nhiên khi trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Hưng, chủ tịch VECOM cho rằng điều này không thực sự chính xác. Hiện nay có rất nhiều hình thức TMĐT, việc các sàn cạnh tranh lớn và buộc phải rời khỏi thị trường không thể hiện TMĐT Việt Nam đang yếu đi. “Phải nói chính xác thế này: TMĐT Việt Nam đang phát triển tốt nhưng hình thức sàn TMĐT dường như chưa phù hợp với mô hình kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam.”

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, dân số sử dụng Internet của nước ta xấp xỉ 50 triệu người, trong số đó có khoảng 3/4 người đã từng mua sắm trực tuyến. Thật khó có thể nói TMĐT không phù hợp tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau sự ra đi của nhiều mô hình sàn TMĐT, các người chơi ở lại phải chọn một hướng đi phù hợp nếu muốn phát triển.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn - người sáng lập và CEO của Công ty CPO Tiki cho biết: "Năm 2016, thương mại điện tử Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi các DN định vị rõ ràng hơn, chiến lược kinh doanh phải cụ thể và nhất quán để tạo sự khác biệt cũng như sự tin tưởng của khách hàng”.

Tiki hiện tại đang tập trung vào thế mạnh là chất lượng sản phẩm từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng, từ lúc chọn nhà cung ứng, xuất đơn hàng, giao hàng, chăm sóc khách hàng và hậu mãi. Một ông lớn khác trên thị trường là Lazada cũng đang tích cực phát triển dịch vụ. Trước đây, mô hình kinh doanh của Lazada là mua vào bán ra, nhưng sau đó quyết định chọn hình thức marketplace và kết nối với các doanh nghiệp B2C để cung cấp đa dạng sản phẩm tại cùng một nơi.

Cùng là hình thức marketplace nhưng ứng dụng TMĐT Shopee lại lựa chọn một điểm khác biệt lớn để ghi dấu vào tâm trí khách hàng. Dịch vụ này mang các tính năng cộng đồng của mạng xã hội lên sàn TMĐT. Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc tài chính và vận hành của Shopee cho biết, trước khi vào Việt Nam, công ty đã tìm hiểu và thấy rằng người Việt có văn hóa tiêu dùng theo xu hướng cộng đồng, muốn được biết mình đang mua hàng của ai, nói chuyện trực tiếp với người bán, nhờ tư vấn, thậm chí mặc cả. Trải nghiệm mua sắm online tại Việt Nam chưa tạo ra cảm giác thân thuộc với người tiêu dùng vốn đã quen với kiểu mua bán truyền thống. "Shopee đã xây dựng sàn TMĐT với các tính năng tập trung vào tương tác trực tiếp giữa người bán và người mua nhằm mô phỏng chính xác hành vi mua sắm của người Việt. Hướng đi này là sự khác biệt lớn mà Shopee muốn mang tới nhằm giải quyết thách thức phát triển TMĐT tại thị trường Việt Nam."

Theo dự báo gần đây từ eMarketer, mảng bán lẻ thương mại điện tử (retail ecommerce) của Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng 20% trong năm nay lẫn năm sau, đạt tổng doanh thu 2,08 tỷ USD trong năm 2017. Không thể nói trước mô hình nào sẽ thành công tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên việc lựa chọn và đầu tư chuyên biệt hóa của các sàn sẽ giúp TMĐT trở nên đa dạng và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Chắc chắn thị trường sẽ còn nhiều biến động trong năm tới.

Hoài Nam

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.