|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đi chợ giùm bạn: tiềm năng nhưng khó mở rộng

10:35 | 14/07/2019
Chia sẻ
Ông Phan Long, Giám đốc Công ty TNHH Green Health Food, đơn vị cung ứng dịch vụ Đi Chợ Nhanh từ tháng 1-2017, cho biết với khởi điểm là 6-10 đơn hàng mỗi ngày, với giá trị bình quân một đơn hàng là 400.000 đồng, tới nay sau hơn hai năm mức tăng trưởng bình quân đạt khoảng 60%/năm, giá trị mỗi đơn hàng đã lên hơn 800.000 đồng.

Theo ông Long, nhu cầu về sự tiện lợi trong việc mua sắm thực phẩm ngày càng phát triển ở các nhóm khách hàng là nhân viên văn phòng, nhóm đang nuôi con nhỏ và phụ nữ hiện đại.

Đi chợ giùm bạn: tiềm năng nhưng khó mở rộng Sai Gon Tiep Thi - Ảnh 1.

Một số giao diện trang web cung ứng dịch vụ đi chợ giùm bạn.

Gọi là đi chợ giùm bạn nhưng thực tế mô hình của công ty có nhiều điểm khác so với một số đơn vị cung ứng khác.

Cụ thể, không tính các đơn vị cung ứng là các cá nhân kinh doanh trên Facebook, dichonhanh.vn là nền tảng công nghệ cung cấp thực phẩm tươi sống không tồn kho và người mua đuợc yêu cầu nhân viên sơ chế theo sở thích cá nhân.

Những nền tảng khác thường hoạt động theo kiểu mua giùm, tùy theo sự lựa chọn của khách đối với danh mục hàng hóa sẵn có của siêu thị, cửa hàng đăng tải trên trang web.

Khách đặt xong, nhân viên đi chợ giùm sẽ đến siêu thị, cửa hàng lấy thực phẩm đi giao chứ không sơ chế theo yêu cầu.

Đi chợ giùm bạn: tiềm năng nhưng khó mở rộng Sai Gon Tiep Thi - Ảnh 2.

Dịch vụ đi chợ giùm giúp người dùng nấu ăn tiện lợi hơn.

Trong khi đó, dichonhanh.vn cung cấp dịch vụ sơ chế tiêu chuẩn, chia nhỏ theo khẩu phần, đóng gói chân không và giao tận nhà.

Khách hàng có thể ghi chú cụ thể các yêu cầu về sơ chế. Các yêu cầu này sẽ được gửi cho bên cung ứng và cả bên sơ chế để phối hợp thực hiện. Đây là một công đoạn chuyển đổi về quy trình bằng công nghệ thông tin tương đối phức tạp.

Ngoài ra, trên mỗi sản phẩm của Đi Chợ Nhanh đều có nhóm kiến thức hỗ trợ là “Giới thiệu – xuất xứ – kiến thức – bảo quản – mẹo vặt” để người tiêu dùng an tâm về nguồn gốc và thông tin sản phẩm hơn.

Bà Nguyễn Thúy, chủ trang Facebook Đi Chợ Dùm Bạn, cho rằng cuộc sống bận rộn nên nhiều người nội trợ có nhu cầu sử dụng dịch vụ này.

“Năm 2015 khi mới bắt đầu mở dịch vụ, mỗi ngày trung bình tôi nhận 20-30 đơn hàng. Tổng chi phí một đơn từ 200.000 đồng tới 2 triệu đồng. Nay số lượng đơn hàng mỗi ngày khoảng 35-40 đơn, có ngày lên đến 50 đơn. Giá trị đơn hàng tăng khoảng 5-10% đơn”, bà nói.

Dịch vụ của bà cũng sẽ sơ chế thực phẩm, thậm chí ướp sẵn gia vị nếu người tiêu dùng yêu cầu.

Theo sự ghi nhận của báo Sài Gòn Tiếp Thị, thị trường hiện nay có 20 đơn vị cung ứng dịch vụ đi chợ mua thực phẩm giùm, có cả các “ông lớn” trong ngành bán lẻ lẫn những công ty quy mô nhỏ, hay chỉ là cá nhân cung ứng thực phẩm qua mạng xã hội.

Dịch vụ này bao gồm hình thức đặt hàng qua ứng dụng điện thoại và gọi điện thoại. Có thể kể tới các thương hiệu như Adayroi, Lomart, Satra, Đi Chợ Nhanh, Đi Chợ Dùm Bạn, Now Fresh…

Các loại thực phẩm do những đơn vị đi chợ giùm rất đa dạng như thịt tươi sống, rau củ quả, gạo, thực phẩm khô… Đối với dịch vụ do siêu thị cung cấp còn gồm các mặt hàng tiêu dùng nhanh. Tùy theo yêu cầu của người dùng, thường các loại thực phẩm sẽ được đóng gói cẩn thận.

Khó khăn nhưng vẫn đeo đuổi

Đi chợ giùm bạn: tiềm năng nhưng khó mở rộng Sai Gon Tiep Thi - Ảnh 3.

Một đơn vị nhận đi chợ giùm.

Sau một thời gian hoạt động, ông Phan Long của Đi Chợ Nhanh cho biết, những khó khăn đã từng bước được tháo gỡ và vấn đề lớn nhất của công ty là làm sao để mở rộng nhanh mô hình.

“Đi chợ giùm là mô hình khó tăng trưởng nhanh vì các khâu có liên quan chặt chẽ với nhau, sự tăng trưởng nhanh sẽ gặp vấn đề về chuẩn cung ứng, sơ chế, đóng gói và giao nhận. Chậm thì sẽ kịp điều chỉnh để đảo bảo chất lượng dịch vụ”, ông Long nói.

Cũng vì lý do đó mà trong thời gian qua Đi Chợ Nhanh chỉ bán cho khách hàng quen biết chứ không chạy quảng cáo vì lo ngại tình trạng ùn ứ đơn hàng có thể xảy ra.

Về tình trạng trả hàng hoặc khách không trả tiền sau khi đặt đơn, giao hàng, ông Long cho biết cũng có nhưng rất ít.

Cụ thể, từ khi mở dịch vụ tới nay, công ty gặp hai trường hợp khách đặt hàng rồi không nhận hàng bằng cách không nghe điện thoại. Còn trường hợp khách không trả tiền thì so với tổng số đơn là rất nhỏ.

Ông Long nhận định mô hình kiểu Đi Chợ Nhanh sẽ không có nhiều người đầu tư trong thời gian tới vì rào cản về công nghệ và sự khó khăn khi triển khai thực tế quá lớn.

Để xây dựng một nền tảng ứng dụng đi chợ giùm không quá phức tạp. Khó khăn là ở chỗ tính toán giá cả, chi phí giao nhận và chất lượng sản phẩm…

Bên cạnh đó, sản phẩm tươi sống ở siêu thị được thay đổi theo ngày, nhưng độ tươi ngon của loại thức ăn này cũng không được ổn định vì được trữ bán nhiều ngày.

Trên thực tế, có rất ít mô hình đi chợ giùm đầu tư mạnh vào mảng thực phẩm tươi sống tuy rằng ai cũng biết mảng này quan trọng để thu hút khách. Ngoài ra, do đi chợ giùm nên giá mua là giá niêm yết của cửa hàng, siêu thị.

Giá dịch vụ mua giùm tăng thêm vài chục phần trăm nhưng khách hàng ở phân khúc này có giới hạn. Thực ra, điểm khác biệt của đi chợ giùm không rõ ràng lắm so với việc khách mua hàng trực tiếp từ cửa hàng, siêu thị.

Kỹ thuật xử lý thực phẩm theo yêu cầu của khách hàng đã biến dịch vụ này trên thực tế khá phức tạp khi triển khai. Tuy nhiên, điểm lợi thế lớn là khi khách dùng qua rồi sẽ cảm nhận được sự khác biệt từ chất lượng, giảm chi phí đi chợ, đến sự tiện lợi và trở thành khách hàng trung thành. Do đó, chi phí mở điểm cũng giảm đi theo thời gian.

Đồng thời, một số đơn vị cung ứng dịch vụ đi chợ giùm cũng cho rằng phải tính toán kỹ chất lượng hàng hóa và phí giao hàng.

Nếu không có công nghệ hỗ trợ thì phía cung ứng dịch vụ sẽ chịu lỗ do hàng tồn, hàng ế, hàng thải bỏ… và giá bán không còn cạnh tranh được với các cửa hàng, siêu thị.

Bên cạnh đó, việc tính toán chi phí vận chuyển, làm sao để thực phẩm giao tới tay người tiêu dùng còn tươi ngon là vấn đề mà bà Nguyễn Thúy của Đi Chợ Dùm Bạn trăn trở.

Theo bà, có khi khách đặt đơn hàng khoảng 200.000 đồng nhưng cộng thêm phí vận chuyển 30.000 thì họ hủy đơn. Cũng có trường hợp khách đi vắng nên người giao hàng phải mang hàng đã sơ chế về.

Một số dịch vụ nổi bật

Adayroi: Ra đời từ tháng 8 năm 2015, thuộc Công ty TNHH Vinecom (Tập đoàn Vingroup). Hiện Adayroi cung cấp các loại thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thực phẩm khô, đông lạnh, đồ hộp, thức uống… khá đa dạng.

Giao diện trang web này (adayroi.com) còn có mục "thực phẩm bán chạy" giúp khách hàng biết được những loại nào đang được chuộng; chế độ giao hàng trong vòng hai giờ từ khi đặt hàng giúp người mua dễ dàng chuẩn bị bữa ăn hơn; chế độ chọn thực phẩm theo mức giá, nhãn hiệu… Đơn hàng từ 200.000 đồng sẽ được miễn phí giao hàng.

Lomart: Ra đời từ năm 2017, thuộc Công ty Cổ phần Lozi. Dịch vụ này chuyên nhận đi chợ giùm đối với các mặt hàng rau tươi, trái cây, thịt cá… do các siêu thị, cửa hàng tiện ích, một số cửa hàng thực phẩm khác cung cấp. Lomart tính phí vận chuyển 5.000 đồng/km và có chế độ giao hàng trong một giờ. Trang web: lomart.vn.

Đi Chợ Nhanh: Ra đời từ năm 2017, thuộc Công ty TNHH Green Health Food. Người mua có thể đặt hàng trước 19g và hàng sẽ được giao từ 5g sáng hôm sau. Các mặt hàng gồm rau củ quả, thịt gia súc gia cầm, gạo, gia vị, thực phẩm chay… Dịch vụ này miễn phí vận chuyển đối với đơn hàng trên 250.000 đồng và trong bán kính 5km, nếu xa hơn sẽ thu phí 20.000 đồng/đơn. Trang web: dichonhanh.vn.

Đi Chợ Dùm Bạn: Ra đời từ năm 2015, nhận đặt hàng qua trang Facebook hoặc qua điện thoại 0932 189 167. Dịch vụ này cung cấp thực phẩm tươi, món nấu sẵn, món ăn vặt với phí vận chuyển tùy theo giá trị đơn hàng. Trang web: dichodumban.net.

Now Fresh: Ra đời từ 2016, thuộc Công ty Cổ phần Foody. Cung cấp nhiều lựa chọn mua thực phẩm, rau củ, hải sản, thịt tươi sống… Phí vận chuyển khoản 15.000 đồng đối với đơn hàng dưới 5km. Trang này cũng thường cập nhật những ưu đãi do các cửa hàng, đơn vị cung ứng thực phẩm giới thiệu. Trang web: now.vn.


Vũ Yến

ĐHĐCĐ Vinhomes: Tiếp tục phát triển siêu đại dự án, có thể ra mắt dự án tại Đông Anh và Đan Phượng năm nay khi hoàn tất pháp lý
Trong năm 2024, ban lãnh đạo Vinhomes (Mã: VHM) trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và hơn 4% so với thực hiện năm 2023.