|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

ĐHĐCĐ VietinBank Securities: Mục tiêu lợi nhuận 300 tỷ từ môi giới và tư vấn đầu tư, đang xem xét phương án bán vốn tối ưu

11:55 | 21/03/2022
Chia sẻ
VietinBank Securities đặt mục tiêu tất cả các mảng hoạt động kinh doanh năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tại đại hội, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt 505 tỷđồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 10%.

Dự báo VN-Index có thể đạt mốc 1.689 điểm năm 2022

Ngày 21/3, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Securities, mã: CTS) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

ĐHĐCĐ VietinBank Securities: Kế hoạch lãi 505 tỷ đồng, đẩy mạnh hoạt động môi giới, tư vấn trái phiếu - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của VietinBank Securities.

Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022,  VietinBank Securities cho rằng thị trường năm nay sẽ khó khăn hơn so với năm 2021, dư địa tăng trưởng vẫn còn nhưng không nhiều và nhiều khả năng VN-Index sẽ tăng khá ít trong thời gian tới, thị trường cũng sẽ đứng trước rủi ro giảm điểm khi nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng nóng trong suốt những tháng cuối năm 2021.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được giao dịch ở mức P/E  là 17 lần, cao hơn mức bình quân 10 năm kể từ 2021 là 15 lần và do đó, xu hướng được dự báo cho năm 2022 là mức định giá P/E sẽ điều chỉnh giảm về tương đương với mức trung bình.

Cụ thể hơn, VN-Index được dự báo sẽ điều chỉnh về mức P/E khoảng 15,73 lần cho năm 2022, với dự phóng lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm đạt 3,02%, tăng 1% so với cuối năm 2021.

Theo đó với kịch bản tích cực, mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân sau thuế là 26% thì VN-Index được kỳ vọng có thể lên mức 1.689 điểm trong năm 2022, tương đương tăng 11,9% so với ngưỡng mở cửa 1.509 điểm tại ngày 4/1, nhưng sẽ có những điều chỉnh đưa P/E về vùng trung bình như đã nêu trên.

LNTT dự kiến đạt 505 tỷ đồng, mục tiêu lãi 300 tỷ đồng mảng môi giới và tư vấn đầu tư

Trên cơ sở những nhận định về thị trường 2022, công ty đặt mục tiêu tất cả các mảng hoạt động kinh doanh năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với lợi nhuận trước thuế đạt 505 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,8% so với mức thực hiện năm 2021. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 10%.

Ông Trần Phúc Vinh, Chủ tịch HĐQT VietinBank Securities cho biết năm nay doanh nghiệp sẽ tập trung vào một số mảng chính.

Đầu tiên, tận dụng lợi thế của ngân hàng mẹ VietinBank, VietinBank Securities sẽ đẩy mạnh mảng tư vấn trái phiếu doanh nghiệp. Được sự hỗ trợ của khối kinh doanh vốn và thị trường của Vietinbank, lợi thế tệp khách hàng tiềm năng thì năm nay hoạt động tư vấn trái phiếu doanh nghiệp của công ty sẽ được thúc đẩy quyết liệt, đóng góp rất lớn vào lợi nhuận của công ty trong năm 2022.

Bên cạnh đó, VietinBank Securities sẽ tập trung tăng quy mô vốn chủ sở hữu để nâng cao cạnh tranh, thu hút khách hàng, mở rộng thị phần, đáp ứng các nhu cầu mở rộng quy mô của các mảng kinh doanh cốt lõi như hoạt động tự doanh, hoạt động đầu tư, hoạt động cho vay ký quỹ (margin).

Mặt khác, công ty cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động môi giới, tăng cường áp dụng công nghệ trong tư vấn khách hàng, hướng đến mở rộng thị phần, tăng doanh thu từ phí. Trong đó, công ty đặt mục tiêu năm 2022 sẽ đạt 300 tỷ lợi nhuận từ mảng môi giới và tư vấn đầu tư.

Cuối cùng, VietinBank Securities sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh vốn, tối ưu chi phí vốn, tận dụng hết cỡ nguồn vốn giá rẻ từ nước ngoài. Cụ thể, công ty cũng có định hướng là thu xếp các khoản vay vốn trung dài hạn từ nước ngoài để đảm bảo cân đối tài chính và đảm bảo an toàn trong hoạt động cho vay và đi vay.

Đối với các hợp đồng vay vốn mới, ban lãnh đạo công ty cũng cho biết đây là hoạt động thường xuyên nhằm tìm kiếm các nguồn vốn dài hạn có chi phí hợp lý, cơ cấu lại các nguồn vốn để đảm bảo chi phí vốn vay sẽ ngày càng hợp lý hơn.

Mặt khác, hợp đồng vay vốn mới để tài trợ cho các hoạt động của công ty bao gồm cho vay ký quỹ trên cơ sở đảm bảo an toàn, hoạt động cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán, phân bổ một phần vốn giá rẻ để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu,..

Ban lãnh đạo nói về hoạt động cho vay margin, tìm đối tác ngoại

Trả lời câu hỏi cổ đông về nguyên nhân công ty không đẩy mạnh cho vay mà để lượng tiền mặt nhiều như hiện nay, ông Vũ Đức Mạnh, Tổng giám đốc khẳng định công ty vẫn đẩy mạnh hoạt động cho vay margin và cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán. 

Tuy nhiên công ty cần đảm bảo cân bằng giữa quản trị rủi ro và phát triển kinh doanh, do vậy hoạt động cho vay không thể đẩy mạnh ồ ạt, mã nào cũng cho vay được mà dựa trên tiêu chí của Sở Giao dịch Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán và quy định nội bộ.

"Ngoài việc cho vay margin thì hoạt động kinh doanh bao gồm nhiều mảng khác, do vậy chúng tôi cũng cần cân đối lượng tiền và chi phí huy động vốn để phân bổ vào các hoạt động như cho vay margin, cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán, đầu tư cổ phiếu, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư các loại giấy tờ có giá, hợp đồng tiền gửi.

Với số dư tiền gửi mà nhà đầu tư thấy trên báo cáo tài chính kiểm toán tại ngày 31/12/2021, đây là phần trong năm chúng tôi đã linh hoạt chuyển đổi giữa các loại đầu tư tài sản này để đảm bảo vốn cân bằng rủi ro và đảm bảo tính sinh lời", ông Mạnh cho hay.

Liên quan đến câu hỏi của cổ đông về tiến độ tìm đối tác ngoại của VietinBank Securities đến đâu khi công ty chứng khoán nhà nước là BSC đã hoàn tất khi thị trường thuận lợi? Ông Trần Phúc Vinh cho biết VietinBank Securities đang nghiên cứu và xem xét phương án nào là tối ưu nhất. Với BSC, đơn vị này vừa đã thông qua văn kiện giao dịch với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, đối tác là Hana Financial Investment Co., Ltd (HFI).

VietinBank Securities sẽ tìm kiếm một số phương án khác, bao gồm việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cũng như phát hành thêm cho nhà đầu tư để đảm bảo giữ nguyên lợi ích cho tất cả nhà đầu tư. Chi tiết kế hoạch này sẽ được công ty thông tin trong những kỳ đại hội sắp tới.

Thu Thảo - Hoàng Linh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.