|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính
[ Live ]

ĐHĐCĐ Vietcombank 2020: Sẽ không cắt giảm lương nhân viên, nếu giảm sẽ giảm lương lãnh đạo

09:07 | 26/06/2020
Chia sẻ
Sáng nay (26/6), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 tại Hà Nội.

ĐHĐCĐ Vietcombank 2020: Để ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận, dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu 18% và chào bán riêng lẻ 6,5% vốn  - Ảnh 1.

Toàn cảnh đại hội. (Ảnh: Quang Hưng)

Không đặt chỉ tiêu lợi nhuận cụ thể năm 2020

Tại đại hội, ban lãnh đạo Vietcombank trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu tổng tài sản tăng xấp xỉ 7%, lên hơn 1,308 triệu tỉ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng dự kiến tăng 10%, đạt 815.525 tỉ đồng. Huy động vốn đạt hơn 1 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với cuối năm trước.

Do tác động từ ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngân hàng xây dựng kế hoạch kiểm soát tỉ lệ nợ xấu năm 2020 dưới 1,5%, cao hơn mức thực hiện của năm 2019 là 0,78%.

Đáng chú ý, Vietcombank để trống chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 và trình cổ đông thông qua việc giao cho HĐQT thực hiện kế hoạch tài chính 2020 phù hợp với diễn biến dịch bệnh và định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đối với kế hoạch nhân sự và mở rộng mạng lưới, Vietcombank dự kiến sẽ tăng 12% qui mô nhân sự và tăng thêm 5 chi nhánh trong năm 2020.

Cuối năm 2019, ngân hàng có 18.948 nhân viên, do vậy, Vietcombank sẽ tuyển dụng thêm hơn 2.200 nhân viên trong năm nay. Đồng thời, chi phí lương trên lợi nhuận trước thuế chưa bao gồm lương năm 2020 dự kiến là 37%, cao hơn nhiều so với mức 27% năm 2019.

ĐHĐCĐ Techcombank 2020: - Ảnh 1.

Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên Vietcombank năm 2020

Theo ban lãnh đạo ngân hàng, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, các chỉ báo vĩ mô 2020 đã được điều chỉnh phù hợp với kinh tế vĩ mô. 

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp với trạng thái bình thường mới; tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự kiến ở mức 10%.

Trên cơ sở dự báo đó, năm 2020, ngân hàng sẽ giảm dần tỉ lệ tăng trưởng tín dụng, gắn với dịch chuyển cơ cấu tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững theo hướng tăng tỉ trọng dư nợ bán lẻ với dự án Chuyển đổi mô hình tín dụng bán lẻ (RTOM) là nền tảng.

Đồng thời sẽ gia tăng tỉ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ và đầu tư kinh doanh vốn; cơ cấu lại danh mục nguồn vốn theo hướng bền vững; đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm, cung cấp các sản phẩm dịch vụ cạnh tranh trên nền tảng công nghệ mới,…

Dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu 18%, chào bán riêng lẻ 6,5% vốn 

Cũng tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2020-2021 bao gồm 2 cấu phần.

Thứ nhất, ngân hàng dự kiến phát hành cổ phiếu tăng vốn bằng việc phát hành cổ phiếu để  trả cổ tức năm 2018 với tỉ lệ 18%. Thời gian thực hiện dự kiến trong nửa cuối năm 2020, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm 6.675 tỉ đồng lên 43.764 tỉ đồng.

Cấu phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với qui mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán. Khối lượng phát tối đa là 241.077.034 cổ phiếu (khối lượng chào bán có thể điều chỉnh tùy theo vốn điều lệ tại thời điểm phát hành).

Trong đó, phát hành cho các nhà đầu tư dự kiến 204,9 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành; phát hành cho đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho để giữ tỉ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến 36,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho. Sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 2.411 tỉ đồng.

Trong trường hợp Ngân hàng Mizuho thực hiện mua cổ phần để tăng tỉ lệ sở hữu tại Vietcombank lên 20%, đối tác chiến lược này sẽ có quyền đề cử thêm một ứng cử viên vào HĐQT trên cơ sở được NHNN chấp thuận.

Nói về lí do tăng vốn, Vietcombank cho biết, tháng 1/2019, ngân hàng đã hoàn thành phát hành tương đương 3% vốn điều lệ (tỉ lệ sau khi phát hành) cho nhà đầu tư nước ngoài GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho, mang lại nguồn thặng dư gần 5.000 tỉ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng lên hơn 37.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Vietcombank mới hoàn thành được 1/3 kế hoạch tăng vốn đã xác định theo phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài được NHNN phê duyệt đầu năm 2018. Hiện tại, vốn điều lệ của Vietcombank đang thấp hơn mức kế hoạch tại phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt tương ứng cho năm 2020 là 21.100 tỉ đồng.

Mặt khác, việc tăng qui mô vốn điều lệ cũng sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng qui mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động.

Do đó, Vietcombank cần phải tiếp tục thực hiện tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2020 - 2021 nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược.

Nếu không tăng được vốn, Vietcombank sẽ không đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn theo qui định, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế của ngân hàng, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của Vietcombank cũng như đóng góp của ngân hàng cho ngân sách nhà nước.

Quốc Thụy