|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

[LIVE] ĐHĐCĐ LienVietPostBank: VNPost thoái vốn không thành công do giá cổ phiếu đi xuống, chia cổ tức tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu

15:49 | 28/04/2022
Chia sẻ
Trả lời chất vấn của cổ đông, Tổng giám đốc LPB cho biết thời điểm bán đấu giá trùng thời điểm giá cổ phiếu đi xuống nên việc thoái vốn của VNPost tại LPB không thành công nhưng giữa LBP và VNPost có sự ký kết hợp tác kinh doanh 50 năm nên việc thoái vốn hay không cũng không ảnh hưởng sự hợp tác.

Ngày 28/4, Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank, Mã: LPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2022 với nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 32% 

Đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) cho biết kết thúc năm 2021, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt trên 3.600 tỷ đồng, tăng 50% cùng kỳ năm 2020, mức cao kỷ lục trong 13 năm hoạt động của ngân hàng.

Nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận của ngân hàng vẫn đến từ thu nhập lãi thuần khi tăng hơn 34% mang về hơn 9.017 tỷ đồng, tương đương tăng thêm hơn 2.297 tỷ đồng. 

Bước sang năm 2022 ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 336.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2021. Huy động thị trường 1 đạt 257.070 tỷ đồng, tương đương tăng 18,4%. Tín dụng thị trường 1 đạt 246.650 tỷ đồng, tăng 98%.

Thu dịch vụ dự kiến tăng 34% đạt 1.150 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước.

 Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông năm 2022 của LienVietPostBank ngày 28/4. (Ảnh: Như Huỳnh)

Về kế hoạch tăng vốn năm 2022, ngân hàng dự kiến tăng vốn thêm hơn 6.200 tỷ đồng thông qua ba phương án. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2021.

Đồng thời chào bán 95,8 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ sở hữu nước ngoài sau phát hành tối đa là 9,99%. Ngoài ra, ngân hàng sẽ chào bán 300 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ chào bán dự kiến là 16,4% (giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp).

Sau khi hoàn tất các đợt phát hành trên, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng gần 42%, đạt hơn  21.250 tỷ đồng.

Vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng để cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, tăng quy mô vốn hoạt động cho ngân hàng, đầu tư cho việc mở rộng, phát triển hoạt động của ngân hàng.

 Các chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 của LienVietPostBank. (Ảnh: Như Huỳnh)

Lợi nhuận quý I tăng 62%, tín dụng bán lẻ tăng mạnh

Báo cáo tài chính quý I của LienVietPostBank cho thấy lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 62% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.795 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động quý I/2022 đạt 3.260 tỷ đồng, tăng gần 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nhập thuần từ lãi tăng trưởng 40% so với cùng kỳ do quy mô cho vay bán lẻ, thu hồi lãi của các khoản vay cơ cấu COVID-19 do khách hàng đã khôi phục được hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, phía ngân hàng cho biết đã linh hoạt cân đối nguồn vốn để phù hợp với tốc độ tăng tín dụng do vậy tối ưu được hiệu quả sử dụng nguồn.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 34,4%, đạt 217,4 tỷ đồng nhờ các dịch vụ như bảo hiểm, thẻ, ngân hàng số.

Tăng trưởng mạnh nhất là hoạt động khác (chủ yếu là xử lý, thu hồi nợ xấu) với mức tăng tới 2.112%, tương đương tăng 22 lần.

Tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh trong khi chi phí kiểm soát tốt, chỉ tăng hơn 12% nên mặc dù ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro, tăng 48% lên 311 tỷ đồng song lợi nhuận trước thuế và sau thuế đều tăng 62%. 

Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản của ngân hàng giảm 1,5% so với cùng kỳ xuống còn 284.918 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng giảm nhẹ 0,6%, dự phòng rủi ro cho vay tăng 9,7%. Huy động tiền gửi từ khách hàng giảm mạnh 35,8% so với đầu năm, đạt 177.460 tỷ đồng do ngân hàng tối ưu hóa tỷ lệ cho vay/huy động.

Thảo luận

Chi phí dự phòng tăng trong năm 2021, nguyên nhân vì sao?

- Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LPB: Chi phí dự phòng tăng hơn mọi năm là do ảnh hưởng nợ cơ cấu từ dịch COVID-19. 

Nguyên nhân tín dụng hết quý I/2022 của ngân hàng đi ngang?

 - Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LPB: Mỗi tháng tăng trưởng tín dụng 4.000 tỷ đồng riêng mảng bán lẻ, hết quý I giảm dư nợ một số dự án cho vay trên 13.000 tỷ dẫn đến tăng trưởng tín dụng đi ngang.

VNpost thoái vốn không thành công, lý do vì sao ?

  - Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LPB: Giữa thời điểm bán đấu giá trùng thời điểm giá cổ phiếu xuống nên việc thoái vốn không thành công. VNPost được định giá và không được bán thấp hơn mức định giá.

Ngân hàng đã đàm phán với công ty bảo hiểm nào để ký kết độc quyền?

- Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LPB: Lợi nhuận dự kiến năm 2022 là 4.800 tỷ đồng nhưng cố gắng đạt lợi nhuận tốt nhất. Đến hết quý I đã đạt 1.700 tỷ đồng nhưng ngân hàng vẫn dự phòng các vấn đề như covid, rà soát khách hàng nhỏ lẻ, tình hình hoạt động kinh doanh để có biện pháp xử lý, đôn đốc thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo.

Lợi nhuận kế hoạch không bao gồm phí độc quyền bảo hiểm, kết thúc tháng 5 này là 5 năm độc quyền với Daiichi, chúng tôi tích cực đàm phán các công ty bảo hiểm lớn thế giới, ngân hàng đàm phán qua mấy vòng nhưng với ai, mức giá bao nhiêu xin phép trong vòng bí mất, nếu thành công năm 2022 sẽ có nhiều tháy đổi lớn, dự kiến giữa tháng 6 sẽ có kết quả. 

LBP cũng là ngân hàng duy nhất chưa ký độc quyền bảo hiểm nhưng với tiềm lực, mạng lưới lớn, những năm vừa rồi là tập dợt bán bảo hiểm của Daichi, là nền tảng để năm nay ngân hàng đàm phán đối tác chiến lược lớn, thời hạn dài. 

Kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài đã có 3 năm nay, năm 2022 cũng có kế hoạch, vậy đợt này có thành công không?

  - Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LPB: Vừa rồi chúng tôi làm việc rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhưng đến kỳ chốt danh sách lại trùng thời điểm giá cổ phiếu xuống thấp, nhưng việc bán cũng tốt không bán cũng không quan trọng. 

Nhận định xu hướng lãi suất và tỷ giá trong năm tới?

- Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng giám đốc LPB: Hiện nay lãi suất huy động trên thị trường tăng nhẹ từ cuối 2021, dòng tiền từ gửi tiết kiệm phân bổ sang nhiều nguồn như chứng khoản, bất động sản.

Theo số liệu thống kê tăng trưởng huy động 3 tháng đầu năm 2022 khác biệt, thấp hơn tín dụng, Ngân hàng nhà nước đã có động thái cảnh báo ngân hàng thương mại, bởi trong thời gian ngắn thị trường chứng khoán biến động, dự báo dòng tiền sẽ quay lại ngân hàng thương mại, chúng tôi sẽ đi theo hướng duy trì lãi suất cho vay của năm 2021, thị trường 1 tăng nhẹ, sự tăng đột biến chỉ ở một số ngân hàng cá biệt.

Tỷ giá USD và VND tăng nhẹ, ảnh hưởng từ biến động thị trường quốc tế, FED dự kiến tăng mạnh lãi suất sẽ ảnh hưởng đến sự mạnh lên hoặc yếu đi của đồng tiền liên quan.

Trong những năm gần đây luôn có sự điều hành linh hoạt ổn định, tỷ giá của đồng USD và VND không có sự tăng giá quá nhiều trong năm 2022, dòng tiền FID, FII dự báo quay lại Việt Nam và tiếp tục tăng, là yếu tố duy trì ổn định tỷ giá USD và VND cùng sự điều hành của Ngân hàng nhà nước linh hoạt, cho Ngân hàng thương mại mua đô kỳ hạn để đảm bảo tính ổn định, đảm bảo tỷ giá. 

Chỉ số NIM là bao nhiêu? Vì sao bị giảm CASA trong năm 2021?

 - Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LPB: Chỉ số NIM năm 2021 của LPB là 3,5%, dự kiến năm 2022 tăng nhẹ lên 3,6%. Về CASA, chúng ta là ngân hàng bán lẻ, tích cực đẩy mạnh phát triển dịch vụ, tập trung huy động bán lẻ ổn định, bền vững, tỷ trọng tiết kiệm cá nhân ở mức cao và đẩy mạnh các dịch vụ khác. 

Dư nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng dịch theo Thông tư 01, 03 và 14 của LPB như thế nào và Ngân hàng xử lý ra sao?

  - Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LPB: Dư nợ tái cơ cấu khách hàng ảnh hưởng dịch tại LPB khoảng 1.500 tỷ đồng. 

Nhiều ngân hàng định hướng bán lẻ nhưng đều gặp khó khăn, tại sao ngân hàng LPB bán lẻ tốt như vậy?

  - Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LPB: Suốt 5 năm vừa rồi lặng lẽ phát triển mạng lưới, nâng câp, nếu so với các ngân hàng thương mại tư nhân thì LPB là ngân hàng bán lẻ lớn nhất, chúng ta là ngân hàng trẻ, nhiệt huyết, đi vào lĩnh vực bán lẻ như nông nghiệp nông thôn rất an toàn.

Mạng lưới bán lẻ nông thôn đang cạnh tranh Agribank, nếu thoái vốn thành công có ảnh hưởng doanh thu, lợi nhuân không? Biện pháp duy trì mạng lưới bán lẻ nông thôn là gì?

 - Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LPB: Giữa LBP và VNPost có sự ký kết hợp tác kinh doanh 50 năm và mới hợp tác từ năm 2011, do đó việc thoái vốn hay không cũng không ảnh hưởng hợp tác đó, LBP trung thành chiến lược cho vay bán lẻ, đặc biệt tại địa bàn nông nghiệp nông thôn. 

Lý do giá cổ phiếu LPB giảm mạnh?

 - Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LPB: Khi giá cổ phiểu LPB ở mức 6.000 - 7.000 đồng cổ đông cũng có hỏi vì sao, nhưng thực sự giá cổ phiếu LPB là giá tự do, không có sự thổi giá, tôi cũng không hiểu tại sao lại giảm mạnh và một số đơn vị khác giá lại cao.

Đại hội kết thúc với các tờ trình đều được thông qua.

Như Huỳnh