|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ HNG: Chủ tịch Trần Bá Dương thừa nhận làm nông nghiệp quy mô lớn không hề đơn giản

20:12 | 16/04/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Trần Bá Dương sau khi tiếp quản HNG phải thừa nhận làm nông nghiệp quy mô lớn là không hề đơn giản. Định hướng chiến lược của HNG dưới trướng chủ mới sẽ phải tập trung đầu tư cho thủy lợi, điện, giao thông,... làm tiền đề cho năm 2024 phát triển.

CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – Mã: HNG) là công ty nông nghiệp chuyên tập trung trồng các loại cây cao su, cây cọ dầu,… ở Gia Lai, Đắk Lắk, Lào và Campuchia.

Tuy nhiên do giá cao su giảm mạnh, nên công ty mẹ là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, sau đó bán HNG cho Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco). Năm ngoái, ông Đoàn Nguyên Đức đã chính thức nhường vị trí ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cho tỷ phú Trần Bá Dương.

Kế hoạch lỗ hơn 2.700 tỷ đồng, tập trung mạnh vào đầu tư làm tiền đề cho năm 2024

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra sáng 16/4 mới đây, ông Trần Bá Dương cho biết tính đến hiện tại Thaco đang nắm trên 38% cổ phần tại HNG.

Dưới tay người cầm lái mới, HNG đề ra loạt kế hoạch mà các lãnh đạo cho rằng là “bài bản hơn”, “kỹ càng hơn” các chiến lược trước của người tiền nhiệm.

Mục tiêu năm 2022 – 2023, HNG sẽ cải tạo, nâng cấp các vườn cây ăn trái phù hợp với quy hoạch; tiếp tục chuyển đổi các vườn cây ăn trái và cao su không hiệu quả sang trồng chuối, dứa và chăn nuôi bò.

Thứ hai, HNG sẽ đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, gồm thủy lợi, điện, giao thông, các công trình xưởng đóng gói, kho, nhà ở công nhân,… máy móc thiết bị cơ giới hóa. Ben cạnh đó sẽ tập trung đầu tư chuồng trại chăn nuôi bò, sản xuất phân hữu cơ. Tổng chi phí đầu tư cho năm nay là 905 tỷ đồng, gần gấp đôi năm ngoái.

Người đứng đầu HNG nhận định năm 2022 tiếp tục khó khăn hơn năm 2021 khi tình hình giá nguyên vật liệu, phân bón, chi phí vận chuyển tăng cao. Khó khăn này dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2023, ông Dương nói.

Năm ngoái, HNG ghi nhận doanh thu thuần 1.199 tỷ đồng và lỗ 1.299 tỷ đồng. Còn năm nay, theo tài liệu công bố tại cuộc họp, HNG dự kiến ghi nhận doanh thu thuần 1.731 tỷ đồng và thua lỗ trước thuế 2.713 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh dự kiến lỗ 150 tỷ đồng.

Con số dự kiến lỗ hơn 2.700 tỷ đồng do dự kiến công ty ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây. lớn.

 Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của HNG. (Ảnh: Mỹ Linh).

Trả lời cho cổ đông về việc hoạt động kinh doanh cao su có lời không, Tổng Giám đốc HNG cho biết, giá cao su hiện nay đã tăng giá so với trước năm 2020. 2 năm vừa rồi khoảng 36 – 38 USD. Trong khi chi phí sản xuất tầm 32 USD. Nếu cộng thêm các chi phí nhân công thì công ty huề vốn. Nhưng do giá vật tư, vận chuyển leo thang nên hiện chúng tôi chưa lời.

Về kế hoạch đầu tư không tăng diện tích chuối, do hiện trạng cá vườn cây chưa được cải tạo được mặt bằng. Do đó HNG phải đầu tư hạ tầng, giao thông, phun thuốc để bảo vệ vườn cây. Chúng tôi sẽ ưu tiên cải tạo chăm sóc trước, đầu tư hạ tầng rồi mới trồng mới.

Ông Dương bổ sung, hiện HNG trồng hơn 4.000 ha chuối. Thực chất trồng lứa đầu thì ổn. Tuy nhiên đến lứa 2 thì vấn đề chăm sóc, điện, nhân công,… khó hơn, chưa kể còn vướng COVID-19.

“Thành thật mà nói, nếu chúng tôi mở rộng diện tích chuối mà chất lượng không có thì sẽ lỗ”, ông Trần Bá Dương nhận định. Do đó HNG phải có quy hoạch và đầu tư bài bản, và tất nhiên phải cần thời gian. Ông Dương xác định năm 2022 – 2023 sẽ thực sự khó khăn.

Tại đại hội, ông Trần Bá Dương dành gần 1 tiếng đồng hồ để nói về quá trình “cải tạo”, đầu tư các nông trường của HNG. Song ông thừa nhận làm nông nghiệp quy mô lớn không hề đơn giản.

 Cơ cấu doanh thu dự kiến cho năm 2022 của HNG sẽ tăng cường trồng cây ăn trái, chủ yếu là chuối và dứa. (Nguồn: Tổng hợp từ tài liệu của HNG).

Năm 2024 HNG sẽ có lợi nhuận khả quan hơn

Nói quan điểm về giá cổ phiếu HNG, ông Dương nói quan điểm điều hành của mình là không mua bán cổ phiếu. “Từ khi tôi tiếp quản, từ đó giờ tôi chưa mua hay bán ra cổ phiếu HNG nào”. Nếu có mua bán thì sẽ hết sức minh bạch. Không có chuyện dựa vào giá cổ phiếu để kiếm cái gì từ đây.

Hiện giá trị sổ sách của HNG khoảng 6.000 đồng/cp, còn trên thị trường chốt phiên 15/4, HNG tạm dừng ở 9.300 đồng/cp.

Người đứng đầu cũng hé lộ với cổ đông, lỗ lũy kế đến năm 2023 (bao gồm 1.600 tỷ đồng chuyển đổi vườn cây cho sang năm) của HNG sẽ khoảng 7.773 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần là 1.170 tỷ. Như vậy lỗ dự kiến khoảng 6.600 tỷ.

“Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện kế hoạch năm 2022, cố gắng có lợi ích trong sản xuất kinh doanh”. Chắc chắn sau khi chúng ta giải quyết dứt điểm các vấn đề đang bị “treo” thì năm 2024 sẽ có được lợi nhuận tương đối khả quan hơn, ông Dương chia sẻ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Mỹ Linh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.