|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Gemadept: Dự kiến thoái vốn mảng cao su năm nay

14:49 | 25/04/2022
Chia sẻ
ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch đạt 3.800 tỷ đồng doanh thu và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tuy nhiên ban điều hành phấn đấu đạt 1.200 tỷ lãi sau thuế. Nếu đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận như trên thì đây là năm thứ hai liên tiếp doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng trên 50%.

Sáng ngày 25/4, CTCP Gemadept (Mã: GMD) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 với 111 cổ đông tham dự, đại diện cho gần 195 triệu cổ phiếu có quyền biểu quyết, tương ứng với 65% tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông của công ty. Kết thúc đại hội, các tờ tình đều được thông qua. 

Trong cuộc họp, doanh nghiệp cho biết kế hoạch triển khai hai dự án trọng điểm là cảng Nam Đình Vũ và Gemalink cùng với nhiều dự án đang trong quá trình nghiên cứu và triển khai, với sự đầu tư hoạt động quy mô này thì Gemadept hoàn toàn có đủ năng lực hoàn thành mục tiêu là nâng tổng sản lượng thông qua lên 6 triệu TEU vào năm 2025. Doanh nghiệp cũng lên mục tiêu năm 2025 đạt lợi nhuận gấp 3 lần so với năm 2020.

 ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 Gemadept. (Ảnh: Thảo Đan).

Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng thông qua miễn nhiệm thành viên HĐQT là bà Hà Thu Hiền và bầu thành viên độc lập mới là ông Nguyễn Văn Hùng cho nhiệm kỳ 2018 - 2023. Ông Hùng sinh năm 1958, từng giữ các chức vụ như phó giám đốc, trưởng phòng tổng hợp tại Cảng vụ hàng hải TP Hồ Chí Minh trước năm 2010. Ông cũng từng giữ vị trí Chi cục trưởng Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh trước khi ông nghỉ hưu vào năm 2018. 

Mục tiêu kinh doanh năm 2022 

Vừa qua, doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý I với 880 tỷ đồng doanh thu thuần và 350 tỷ đồng lãi trước thuế, tương ứng tăng 28% và 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy sau quý đầu năm, Gemadept đã thực hiện được 23% mục tiêu doanh thu và gần 35% chỉ tiêu lợi nhuận năm. 

Trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh khả quan trên, ban Tổng Giám Đốc đã mạnh dạn đăng ký với HĐQT mức doanh thu cho năm nay là 3.850 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 1.200 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, HĐQT sau khi xem xét tình hình kinh tế chính trị thế giới nhiều biến động và môi trường sản xuất kinh doanh sau đại dịch bất ổn thì thấy mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ là tương đối thực tế và cũng đạt mức trăng trưởng tương đối cao so với các doanh nghiệp trong ngành. 

ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất của Gemadept năm 2022 là 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% và tăng 24% so với năm 2021. 

Nếu đạt được, đây cũng là kết quả lợi nhuận cao thứ hai kể từ trước đến nay, sau thành tích đột biến 1.900 tỷ đồng vào năm 2018 chủ yếu nhờ bán vốn các công ty con.

 Nguồn: BCTC các năm của Gemadept. 

HĐQT cũng cho biết thêm, nếu trong điều kiện kinh tế thuận lợi hơn như căng thẳng Nga - Ukraine sớm kết thúc và đại dịch được kiểm soát tốt hơn thì con số lợi nhuận 1.200 tỷ đồng cũng là con số khả thi. Nếu đạt được mức tăng trưởng lơi nhuận như trên thì đây là năm thứ hai liên tiếp doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng trên 50%. 

Các dự án sản xuất kinh doanh trọng điểm 

Dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 2 tại Hải Phòng đã triển khai xây dựng từ 12/2021 và đã đạt được trên 25% tiến độ thi công nói chung. Nếu triển khai đầu tư đúng tiến độ thì dự kiến dự án này sẽ được đưa vào khai khác vào quý I/2023. Dự án này có tổng vốn đầu tư là 2.000 đến 4.500 tỷ đồng và công suất 600 nghìn đến 1.200 nghìn TEU/năm. 

Dự án Cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 2 tại Bà Rịa Vũng Tàu có quy mô 39ha, tổng đầu tư là 4.200 tỷ đồng, công suất là 1,5 triệu TEU/năm. Dự án này đang được cố gắng triển khai trong quý II và dự kiến đưa vào khai thác vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. 

Khi hai dự án Nam Đình Vũ và Gemalink đi vào khai thác dự kiến vào 2024 và 2025, sản lượng khai thác cảng sẽ tăng lên gấp đôi.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng dự kiến phát triển các dự án mới, hệ thống Trung tâm Logistics và IDC phía Nam với quy mô khoảng 10ha với vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. 

Tăng vốn điều lệ triển khai dự án trọng điểm 

Để triển khai kế hoạch trên, Gemadept sẽ huy động thêm vốn thông qua phương án phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán tối đa là hơn 100 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 3:1. Giá phát hành là 20.000 đồng/cp, bằng 38% giá cổ phiếu GMD chốt phiên 22/4 (52.400 đồng/cp).

Sau hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 3.013 tỷ đồng lên 4.108 tỷ đồng. Thời gian phát hành theo kế hoạch trong năm 2022, công ty sẽ công bố thời gian phát hành cụ thể sau khi được UBCKNN chấp thuận.Cổ phần được mua bởi quyền mua cổ phần được tự do chuyển nhượng.

Tổng số tiền 2.009 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để phục vụ hoạt động kinh doanh. Cụ thể, Gemadept sẽ tăng vốn góp vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và góp vốn vào các dự án cảng thủy nội địa 800 tỷ; tăng vốn góp vào CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2 là 1.000 tỷ; đầu tư mua sắm tài sản cố định phát triển hoạt động kinh doanh là 209 tỷ. 

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, ĐHĐCĐ cũng thông qua mức cổ tức chi trả bằng tiền là 12%, trích quỹ cho HĐQT là 3%, tương ứng gần 22 tỷ đồng và trích quỹ khen thưởng phúc lợi là 5%, tương ứng 36 tỷ đồng. Vậy với hơn 301 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp phải chi ra hơn 361 tỷ đồng để trả cổ tức. 

Thảo luận:

Gemadept nghiên cứu đầu tư cảng hàng hóa sân bay Long Thành thông qua công ty liên kết SCSC hay hình thức nào khác? 

Doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục mở rộng SCSC, phát triển air cargo terminal và logistics hàng không tại khu vực Long Thành, Hải Phòng và một số khu vực khác. Doanh nghiệp cho biết cụ thể phương án đầu tư ra sao sẽ được lựa chọn và thông báo khi có kế hoạch chi tiết. 

Kế hoạch thoái vốn mảng cao su? 

Ban lãnh đạo và ban dự án cao su tại Campuchia đã cố gắng thoái vốn. Đến thời điểm hiện tại có một số điều kiện rất tốt để thoái vốn mảng cao su. Thứ nhất, sau 5 – 6 năm, quy mô dự án đã đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư quan tâm. Thứ hai, đường cơ sở hạ tầng và kết nối ở Campuchia đến dự án này đã đc hoàn thành và giúp các nhà đầu tư triển khai khai thác. Bên cạnh đó, giá cao su trên thị trường đang rất tốt, giá cao do giá dầu tăng. Do đó, ban điều hành đã đưa ra chỉ tiêu cho các phòng ban để thoái vốn trong năm nay. 

Thị phần của Gemalink? Chuyển nhượng tỷ lệ của Gemadept trong Gemalink?

Năm 2021, mức độ tăng trưởng của Gemalink là 800 nghìn TEU chiếm thị phần 15% của khu vực Cái Mép – Thị Vải. Dự kiến năm 2022 sau, khi full công suất 1,5 triệu TEU thì thị phần sẽ tăng lên 20%. Khi hoàn thành cả 2 giai đoạn thì thị phần của Gemalink sẽ tăng lên 30 – 35%. 

Về vấn đề chuyển nhượng, doanh nghiệp đang làm việc với các đối tác liên quan và các nhà đầu tư để chuyển nhượng 24%. Chi tiết cụ thể về vấn đề này sẽ được thông báo khi có kết quả. 

Tình hình dư cung ở cảng Hải Phòng ảnh hưởng như thế nào đến dự án Nam Đình Vũ 2? 

Năm 2021, sản lượng thông quan khoảng 5,5 triệu TEU, tương đương 85% nhu cầu sử dụng. Trong số đó, có một số cảng đạt trên 100% về sử dụng và trong một vài năm tới, xu hưởng sẽ dịch chuyển lên các cảng nhỏ ở phía trên mà hạn chế về luồng và khu vực quay trở. Hiện nay, sản lượng còn nằm ở trên những cảng này khoảng 1,2 – 1,3 triệu TEU. Như vậy, việc xây dựng Nam Đình Vũ 2 là kịp thời và đúng thời điểm, không áp lực về dư cung.

Lợi thế cạnh tranh của Nam Đình Vũ? 

Hệ sinh thái được kết hợp logistics và cảng biển của Gemadept trải dài khắp cả nước là thế mạnh của Gemadept mà công ty khác không có được. Bên cạnh đó, phương tiện thiết bị cảng của doanh nghiệp được đầu tư không thua kém cảng nào trong khu vực. Hơn thế nữa, so với Đình Vũ thì Nam Đình Vũ đón được tàu lớn nhất là 48 nghìn DWT và có chiều dài 240m.

Đánh giá việc tắc nghẽn có gây áp lực không?

Có áp lực bởi trước khi các hãng tàu khai thác theo lịch, sắp xếp theo ngày. Nếu làm tốt thì hệ số sử dụng sẽ lên tối đa và chi phí sử dụng hợp lý nhất. Tuy nhiên, hiện nay, lịch tàu thay đổi liên tục do tình trạng tắc nghẽn ở nhiều nước. Dù vậy, các cảng còn cơ hội tiếp nhận tàu như Nam Đình Vũ sẽ rất tốt, Nam Đình Vũ luôn sẵn sàng đáp ứng và sẽ thu hút được các cơ hội. Chúng ta sẽ tận dụng tối đa về tàu bến để thu hút nguồn tàu mới.

Sản lượng thông qua của Gemalink chiếm bao nhiêu trong tổng tỷ trọng của Gemadept? 

Trong quý I/2022, sản lượng Gemalink chiếm khoảng 40% tổng hệ thống và gấp 3 lần so với cùng kỳ. Doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thiện giai đoạn 2 để nâng công suất của cảng Gemalink lên 3 triệu TEU.

ICD Phúc Long có còn phải di dời hay không?

Theo quyết định 1829 của Thủ Tướng ngày 31/10/2021 phê duyệt về quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa 2021 – 2030, 2030 cảng ICD Phúc Long được phép hoạt động ít nhất đến năm 2030. 

Việc TP HCM thu phí cảng biển có ảnh hưởng đến công ty không?

Từ 1/4, TP HCM triển khai thu phí hạ tầng cảng biển và nhận được sự phản ứng dữ dội do các doanh nghiệp vừa thoát ra khỏi tình hình COVID-19 rất khó khăn. Việc thu phí cũng không đúng đối tượng do những hàng hóa phải thông qua ICD không nằm trong chuỗi hạ tầng đặc biệt và những hàng hóa vận tải bằng đường thủy không sử dụng hạ tầng cảng biển nào cũng bị thu phí.

Theo ghi nhận hàng hóa thông qua cảng ICD của TP HCM giảm 10-15%. Tuy nhiên, hàng hóa thông qua cảng Bình Dương và khu vực Cái Mép - Thị Vải tăng lên 20%. Như vậy, doanh nghiệp không ảnh hưởng nhiều. 

T.Đan

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.