ĐHĐCĐ Eximbank: Sếp cũ Nam A Bank chính thức vào HĐQT, trách nhiệm xử lý vụ bà Chu Thị Bình thuộc về ai?
Cựu TGĐ Nam A Bank trúng cử vào HĐQT
Ngày 27/4, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - MÃ: EIB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2018.
ĐHĐCĐ thường niên Eximbank 2018. |
Đại hội Eximbank thống nhất bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Theo công bố tại đại hội, có duy nhất 1 ứng viên ứng cử và HĐQT Eximbank, cụ thể là bà Lương Thị Cẩm Tú (sinh năm 1980), từng là Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam A.
Bà Lương Thị Cẩm Tú |
Bà Tú có trình độ cử nhân chuyên ngành quản lý kinh doanh ĐH Văn Lang, thạc sĩ quản trị kinh doanh ĐH Griggs.
Quá trình công tác ghi nhận bà Tú từng đảm nhiệm các chức vụ như Phó phòng kinh doanh, Trợ lý Tổng giám đốc, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chi nhánh Khánh Hòa; Giám đốc khu vực kiêm trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long; Phó Tổng giám đốc, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank); Thành viên HĐQT CTCP Đường Ninh Hòa; Thành viên HĐQT CTCP Du lịch Thắng Lợi.
Hồi tháng 3/2018, bà Tú đã thôi chức Tổng Giám đốc Nam A Bank vì lý do cá nhân.
Eximbank cho hay, ngày 21/2, Ngân hàng nhận được 4 hồ sơ của 4 ứng viên dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank, trong đó có 1 hồ sơ ứng cử viên cập nhật thông tin đã nộp năm 2017. Đến ngày 26/4, Eximbank đã nhận được 3 đề đơn đề cử đề nghị 3 ứng viên về việc xin không tiếp tục tham gia ứng cử làm thành viên HĐQT Eximbank để bầu bổ sung trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 vì lý do cá nhân. Theo đó, còn duy nhất một ứng viên là bà Lương Thị Cẩm Tú nêu trên.
Còn nhớ hồi năm 2015, hai nhân sự cấp cao của Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ - cựu Tổng Giám Đốc và ông Trần Ngọc Tâm - cựu Phó Tổng Giám đốc từng thôi các chức vụ tại Nam A Bank để tham gia ứng cử vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ IV và rộ lên tin đồn về cuộc sáp nhập giữa hai ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả đã không thành.
Kết quả đại hội năm nay thông qua bổ sung bà Tú vào HĐQT Eximbank với tỷ lệ gần 70%.
THẢO LUẬN
Nguồn gốc của các khoản nợ bà Chu Thị Bình và nhóm khách hàng ở Đô Lương là từ Ban Điều hành trước hay hiện tại? Tổng Giám đốc có từ chức không?
TGĐ Lê Văn Quyết: Vụ Đô Lương xảy ra từ năm 2013, vụ Chu Thị Bình thực sự bắt đầu từ năm 2010.
Về trách nhiệm, vụ việc được phát giác trong giai đoạn HĐQT hiện nay, chúng tôi phải có trách nhiệm, HĐQT hiện nay phải có trách nhiệm xử lý.
Đối với việc ngăn ngừa như thế nào, Eximbank cho rà soát đối chiếu tất cả khách hàng có số dư tiền gửi lớn, gửi các cảnh báo cho khách hàng nhận biết sớm hơn vấn đề xảy ra, bổ sung các hình thức xác nhận giao dịch, nhất là giao dịch ủy quyền; luân chuyển nhân sự các chi nhánh, những việc này đã triển khai từ năm 2017 đến nay.
Tôi sang làm Tổng Giám đốc Eximbank theo hợp đồng với Ngân hàng. Những vấn đề chính tôi đã hoàn thành, trong giai đoạn tiếp theo, HĐQT nên tìm kiếm nhân sự mới cho chức Tổng Giám đốc phù hợp hơn cho chiến lược phát triển tiếp theo của Ngân hàng.
Kết quả kinh doanh quý I/2018?
Lợi nhuận quý I trươc dự phòng đạt 721 tỷ đồng, trích dự phòng 152 tỷ đồng, Lợi nhuận còn lại đạt 560 tỷ đồng.
Kế hoạch 2018 có thấp không khi gồm cả thoái vốn Sacombank và trong quý I đã trên 500 tỷ đồng?
Kế hoạch 2018 ở mức 1.600 tỷ đồng là kế hoạch khá cao cần nỗ lực toàn hệ thống Eximbank. Lý do, năm 2017 lợi nhuận đạt 1.018 tỷ đồng, gồm có 121 tỷ đồng từ thoái vốn Sacombank, thu hồi khoản nợ không đảm bảo khoảng 230 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thật sự từ hoạt động bình thường khoảng 650 tỷ đồng.
Năm 2018, kế hoạch lợi nhuận bao gồm 521 tỷ đồng từ thoái vốn Sacombank, qua đó, lợi nhuận thực còn 1.050 tỷ đồng so với 650 tỷ đồng của 2017 thì đây là kế hoạch thách thức. Tuy nhiên không quá cao, Eximbank có thể đạt được.
Kế hoạch đưa Eximbank trở lại vị thế 10 ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam?
Năm 2015-2016 Eximbank xuống vị trí thứ 16, đến năm 2017, Eximbank lên được vị trí 13 về xếp hạng quy mô tài sản trong hệ thống.
Chiến lược tái cấu trúc Eximbank đến 2020, Ngân hàng tập trung xử lý tồn đọng, chặn đà suy giảm thị phần, từng bước nâng thị phần trong nhóm 10 ngân hàng hàng đầu; cải tổ toàn bộ hệ thống quản trị hoạt động; cấu trúc lại tài sản của Eximbank tập trung cho phát triển dài hạn.
Theo dự án này, đến 2020, hàng năm tăng trưởng tài sản dự kiến trung bình 24-25%/năm thì Eximbank có thể trở lại top 10. Tuy nhiên, mục tiêu này không hề đơn giản xét trong bối cảnh Eximbank có nhiều vấn đề khoảng 5-6 năm trở lại đây.
Kế hoạch phân phối lợi nhuận 2018?
Từ năm 2013-2017 Eximbank không chia cổ tức. Năm 2018, Eximbank nếu đạt được kế hoạch lợi nhuận 1.600 tỷ đồng thì sẽ có được khoản lợi nhuận lũy kế 1.300-1.400 tỷ đồng. Hiện HĐQT chưa bàn sâu việc chia cổ tức.
Trong đề ăn tái cấu trúc, Eximbank được NHNN hỗ trợ việc bán nợ VAMC giãn từ 5 lên 10 năm. Theo đó, đến 2020, Eximbank mới có thể trở lại mặt bằng hoạt động ổn định, như tổng nợ thực (gồm nợ VAMC, nợ nội bảng, nợ đã xử lý rủi ro) về dưới 3% theo chuẩn mực NHNN. Theo đó, năm 2018, nợ VAMC còn khoảng 2.400 tỷ, năm 2019 về dưới 1.000 tỷ đồng, và sau 2019 mới có đủ lực mua lại toàn bộ nợ bán cho VAMC.
HĐQT sẽ có bàn đạp cụ thể trình NHNN về việc trả một phần cổ tức cho cổ đông.
Hệ số NIM giảm còn 2,7% khá thấp so với thị trường, vì sao? Năm 2018 NIM có tăng lại hay không?
Nếu trở lại hoạt động 2016-2017 Eximbank tập trung minh bạch hóa hoạt động, phục hồi lại thị phần, cải thiện bộ máy hoạt động. Từ sau năm 2017, mặt bằng lãi suất thị trường đang đi xuống. Nếu theo số thực, nợ xấu Eximbank chiếm khoảng 2% tổng tài sản.
Từ 2015-2017, Eximbank thực hiện cơ cấu toàn bộ tài sản, đảm bảo tiêu chí an toàn theo quy định.Hai năm vừa qua, Eximbank phải thu hồi bắt buộc 7.000 tỷ đồng ngoài tồn đọng của thanh ra còn có những dự án không sinh lời. Đây là cái giá Eximbank cần phải trả để minh bạch hóa hoạt động.
Năm 2017 Eximbank có xử lý và thu hồi được một số khoản nợ, hiện Eximbank còn 2.800 tỷ đồng nợ xấu và 6.000 tỷ đồng nợ bán cho VAMC, Eximbank đã dự phòng bao nhiêu?
Hiện tất cả nợ xấu của Eximbank đều được trích theo quy định. Tổng nợ VAMC hiện còn 1.500 tỷ đồng, trong đó có 1.200 tỷ đồng trích đúng 2%, còn lại trích dự phòng 10%. Việc này nằm trong đề án và được NHNN chấp thuận.
Kế hoạch dư nợ tín dụng tăng 12%
Năm 2018 Eximbank dự kiến tổng tài sản tăng 19%, huy động vốn tăng 26%, dư nợ cấp tín dụng tăng 12%. Lợi nhuận trước thuế 1.600 tỷ đồng, tăng 57% kết quả 2017.
Kế hoạch 2018 của Eximbank. |
Liên quan đến tình hình khắc phục chỉnh sửa các kết luận thanh tra đến cuối tháng 3/2018, Eximbank đã chỉnh sửa được 319/418 kiến nghị. Các khoản phải thu hồi liên quan Eximbank đã xử hết lỗ lũy kế trên 834 tỷ đồng; thu hồi một phần từ các quỹ đã trích với tổng số tiền 101,6 tỷ đồng; thù lao từ 2013-2015 của HĐQT, BKS chi thừa Eximbank đã thu được 17/81 tỷ đồng.
Dự án 07 Lê Thị Hồng Gấm, hiện có 16 nhà đầu tư lớn của Việt Nam và nước ngoài quan tâm đến dự án. Công ty tư vấn Savills đang thực hiện chọn nhà đầu tư và đưa kết quả tư vấn trong năm 2018.
Kết quả thoái vốn Eximbank từ ngày 29/11/2017-19/1/2018 đạt giá bình quân là 14.064 tỷ đồng, đóng góp lợi nhuận kinh doanh trong quý I/2018 trên 521 tỷ đồng.