ĐHĐCĐ Chứng khoán Bản Việt: Lãi quý I 360 - 400 tỷ đồng, có thể rời Top5 thị phần môi giới
Chiều ngày 9/4, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC - Mã: VCI) đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, từ đó thông qua kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.250 tỷ đồng. Mức trả cổ tức dự kiến 10 - 15%.
Kế hoạch này dựa trên kịch bản VN-Index dao động quanh 1.250 điểm vào cuối năm 2021. Theo VCSC, tình hình dịch bệnh được kiểm soát là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.
Chia sẻ tại đại hội, ông Tô Hải, Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt cho biết năm 2021 sẽ là chu kỳ tăng trưởng mới, VCSC sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2017 như đã hứa, trong ba năm vốn chủ sở hữu tăng gấp đôi mà không cần huy động vốn từ bên ngoài.
Theo ông Hải, Bản Việt có năng lực dự đoán thị trường, điều này giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội khi thị trường lên và hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất trong bối cảnh thị trường suy yếu.
Trả lời câu hỏi cổ đông về tình hình kinh doanh quý I/2021, ông Hải cho biết, lợi nhuận quý I ước khoảng 360 - 400 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty còn có khoản lợi nhuận chưa thực hiện khoảng 500 tỷ đồng.
Mảng IB sẽ bùng nổ trở lại, thị phần môi giới có thể rớt khỏi Top 5
Tổng giám đốc Tô Hải cho biết năm 2021, doanh nghiệp sẽ tập trung nhiều cho mảng ngân hàng đầu tư (IB) và mảng này được dự báo sẽ tiếp tục bứt phá.
Chứng khoán Bản Việt kỳ vọng quy mô thị trường năm 2021 ở mức 200 triệu USD, quy mô M&A 2,3 tỷ USD (đặc biệt là các công ty tư nhân), mảng huy động vốn quy mô 100 triệu USD.
Theo tiết lộ của công ty, các hợp đồng đang thực hiện có giá trị giao dịch lớn ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng trong năm 2021 ở các lĩnh vực tài chính tiêu dùng, hàng tiêu dùng, logistics…
Với mảng môi giới, ông Hải cho biết công ty không còn quá chú trọng câu chuyện thị phần 3 - 4 năm trở lại đây. Năm 2021, VCSC sẵn sàng đối mặt với việc thị phần công ty có thể rớt khỏi Top 5 nhưng vẫn tập trung duy trì tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu môi giới cao.
Nói thêm về vấn đề thị phần, ông Hải đánh giá thị phần không còn quá quan trọng và con số này ảo là nhiều. Việc cần ở đây là tập trung thúc đẩy lợi nhuận mảng môi giới, đồng thời duy trì hoạt động của các mảng trụ cột như tư vấn, cho vay ký quỹ (margin), đầu tư.
Ông Hải cho rằng các công ty chứng khoán thị phần lớn đang lỗ trong hoạt động môi giới. Một số công ty "làm khéo" số liệu bằng cách hạ chi phí trực tiếp, chi phí môi giới hạch toán vào chi phí quản lý.
Về phần mình, lãnh đạo Chứng khoán Bản Việt cho rằng chứng khoán là ngành đặc biệt, muốn giữ được khách hành phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Công ty sẽ không chạy theo thị phần bởi vì việc cạnh tranh bằng hạ giá, giảm phí có thể đến ngưỡng không giảm được nữa hoặc khách hàng có thể rời bỏ khi có công ty khác giảm giá mạnh hơn.
Hệ thống quá tải có ảnh hưởng đến VCSC?
Nói về ảnh hưởng của tình trạng nghẽn lệnh với Bản Việt, ông Hải cho rằng vấn đề này ảnh hưởng đến tất cả chủ thể tham gia thi trường. Xét về hoạt động kinh doanh thì VCSC ít chịu ảnh hưởng hơn so với các công ty có doanh thu mảng môi giới chiếm tỷ trọng lớn.
Tuy nhiên, nếu kéo dài thì mảng tư vấn IPO của công ty sẽ ảnh hưởng do khách hàng e ngại lên sàn hoặc với mảng tự doanh, công ty không đóng vị thế cuối ngày được.
Với khoản đầu tư OTC, VCSC có hai khoản chính là Napas và Sữa Quốc Tế (IDP). "Năm 2020, Napas có hoạt động tốt và chúng tôi có tăng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 5% vốn. Với IDP, công ty đã xóa lỗ lũy kế và dự kiến tăng trưởng 50 - 60% năm 2021. Giá trị cả hai công ty này có thể cán mốc tỷ USD vào năm 2022", ông Hải cho hay.
Cũng tại đại hội, lãnh đạo VCSC chia sẻ kế hoạch chào bán 900.000 cổ phần ESOP trong năm 2021 với giá bán 15.000 đồng/cp. Tổng số tiền thu được sẽ bổ sung vốn và giảm nợ vay.
Công ty cũng lên kế hoạch phát hành mới 166,5 triệu cổ phần, dự kiến phân phối cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền 1:1. Thời gian dự kiến trong năm 2021, sau khi chào bán xong ESOP. Sau khi phát hành, Bản Việt dự kiến tăng vốn từ mức 1.656 tỷ đồng hiện tại lên 3.330 tỷ đồng.