Vì sao các sếp CTCK lớn cùng quan điểm thị phần môi giới là con số ảo?
CEO MBS, Bản Việt: Thị phần môi giới khá ảo
Câu chuyện cạnh tranh thị phần môi giới là tâm điểm giới đầu tư trong hơn 2 năm trở lại đây. Làn sóng cạnh tranh giá rẻ khiến "miếng bánh" thị phần đem ra chia lại. Quý đầu năm 2021, thị trường tiếp tục chứng kiến sự xáo trộn lớn trên bảng xếp hạng về thị phần môi giới cổ phiếu, đặc biệt tại sàn HOSE.
Theo đó, Chứng khoán VPS vươn lên dẫn đầu về thị phần trên cả hai sàn HOSE, HNX, thị trường UPCoM và giao dịch chứng khoán phái sinh. Chứng khoán SSI (Mã: SSI) tụt xuống vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng thị phần trên sàn HOSE. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán khác cũng tụt hạng trên bảng xếp hạng thị phần như HSC (Mã: HCM), Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI) và Chứng khoán MB (Mã: MBS).
Tới đây, câu chuyện về thị phần làm nóng đại hội đồng cổ đông của các công ty. Trước câu hỏi của các cổ đông về kế hoạch lấy lại thị phần trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành, Tổng giám đốc các công ty chứng khoán chung quan điểm cạnh tranh bằng những điểm mạnh, không chạy theo cuộc đua miễn giảm phí giao dịch. Cùng với đó, đảm bảo mục tiêu song hành giữa thị phần và chất lượng lợi nhuận.
Tại đại hội vừa được tổ chức sáng nay (10/4), ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc Chứng khoán MB (MBS) cho rằng thị trường đang có sự cạnh tranh và việc tăng thị phần đang chịu sức ép từ các công ty chứng khoán ngoại đặc biệt từ nhóm Hàn Quốc và các công ty chứng khoán tư nhân trong nước.
Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc MBS cho biết ban lãnh đạo các công ty chứng khoán lớn cũng đã có thảo luận với nhau và đánh giá thực sự thị phần trên thị trường trong thời gian qua tương đối ảo, không phản ánh hết được hiệu quả các mảng kinh doanh cốt lõi của công ty mang lại.
Trước bài toán cạnh tranh gay gắt mảng môi giới, CEO của MBS cho biết công ty lấy lại thị phần thông qua việc nâng cao chất lượng báo cáo phân tích, tư vấn cho khách hàng, tăng trải nghiệm cho khách hàng thông qua ứng dụng chuyển đổi số.
Cùng quan điểm với ông Hà, tại đại hội tổ chức hôm qua (9/4), CEO Chứng khoán Bản Việt Tô Hải cũng cho rằng thị phần không còn quá quan trọng và cho rằng đây là con số ảo.
Làm đẹp số thị phần bằng cách nào?
Chia sẻ với các cổ đông, vị CEO Chứng khoán Bản Việt nói về phương thức một số công ty chứng khoán đang dùng để đẩy thị phần môi giới.
Theo ông Tô Hải, các công ty chứng khoán đa phần mua cổ phiếu cơ sở và short sell chỉ số (mở vị thế bán trên thị trường chứng khoán phái sinh - PV). Một số công ty muốn đẩy thị phần bằng cách thúc đẩy giao dịch tự doanh lên đến 1.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Nhiều CTCK có thị phần lớn nhưng doanh thu môi giới nhỏ, lợi nhuận không có, vì đó là giao dịch của tự doanh, CEO Chứng khoán Bản Việt giải thích.
Trước sức ép cạnh tranh lớn trong ngành, Chứng khoán Bản Việt tụt xuống vị trí thứ 4 về thị phần môi giới sàn HOSE trong năm 2020. Quý đầu năm 2021, công ty tiếp tục rớt xuống vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng khi nắm giữ 5,62% thị phần môi giới sàn HOSE.
Tuy nhiên, CEO Chứng khoán Bản Việt khẳng định công ty có thể rời khỏi Top5 thị phần nhưng vẫn tập trung duy trì tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu môi giới cao.
Nói thêm về lợi nhuận mảng môi giới, ông Tô Hải cho rằng các công ty chứng khoán thị phần lớn đang lỗ trong hoạt động này. Một số công ty "làm khéo" số liệu bằng cách hạ chi phí trực tiếp, chi phí môi giới hạch toán vào chi phí quản lý.
Về phần mình, vị lãnh đạo Chứng khoán Bản Việt cho rằng chứng khoán là ngành đặc biệt, muốn giữ được khách hành phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Công ty sẽ không chạy theo thị phần bởi vì việc cạnh tranh bằng hạ giá, giảm phí có thể đến ngưỡng không giảm được nữa hoặc khách hàng có thể rời bỏ khi có công ty khác giảm giá mạnh hơn.
"Tôi vẫn thường nói với nhân viên, công ty chúng ta là kinh doanh chứ không phải làm showbiz để mà đánh bóng tên tuổi. Với VCI, chỉ cần tăng chất lượng dịch vụ sẽ giữ chân được khách hàng, song song tăng được hiệu suất sinh lời thực cho công ty", ông Hải chia sẻ với các cổ đông tại đại hội.