|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dệt may Bangladesh tăng trưởng tốt hơn Việt Nam nhờ lợi thế giá rẻ nhất thị trường

21:53 | 19/09/2023
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Vinatex, tăng trưởng hàng dệt may của Bangladesh vẫn tốt hơn nước ta do họ có lợi thế giá tốt nhất thế giới và được ưu đãi thuế quan vào châu Âu.

Tại Diễn đàn Kinh tế Xã hội Việt Nam năm 2023, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết hai vấn đề với ngành dệt may hiện nay là giá và thuế quan, không phải vấn đề về phát triển bền vững.

Ông cho biết cần nhận định rõ vấn đề sụt giảm của 2023 là ngắn hạn,phải tìm giải pháp ngắn hạn. Ứng dụng công nghệ, đổi mới và phát triển bền vững là câu chuyện của trung và dài hạn. Do đó, phải áp dụng các giải pháp rất phù hợp cho tình hình này, không thể đem giải pháp trung hạn dài hạn giải quyết cho vấn đề ngắn hạn.   

 Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

8 tháng đầu năm dệt may Việt Nam ghi nhận mức giảm 15% so với cùng kỳ. Trong các quốc gia dẫn đầu về dệt may chỉ có Bangladesh tăng 5,7%, Trung Quốc cũng suy giảm 10%. 

Vừa qua, Hiệp hội Nhập khẩu Dệt may Mỹ đã đánh giá 12 tiêu chí lựa chọn quốc gia nhập khẩu hàng dệt may. Việt Nam đạt điểm cao nhất 47,5/60 điểm, trong khi đó Trung Quốc đạt 42 điểm và Bangladesh chỉ đạt 39 điểm.

"Dệt may Việt Nam đều đạt các tiêu chí về chất lượng, thời gian giao hàng, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững. Tuy nhiên tăng trưởng hàng dệt may của Bangladesh vẫn tốt hơn nước ta do họ có lợi thế giá tốt nhất thế giới và được ưu đãi thuế quan vào châu Âu. Ngành dệt may Bangladesh duy trì được tăng trưởng nhờ lợi thế giá rẻ nhất thị trường trong bối cảnh cầu thấp", ông nói. 

Theo Chủ tịch Vinatex, muốn vượt qua khó khăn ngắn hạn khi cầu thế giới sụt giảm cần cả hai nỗ lực. Về phía doanh nghiệp, cần tiết giảm chi phí, tăng năng suất, tìm phương thức sản xuất hợp lý nhất để tiếp cận thị trường, tìm cách làm những mặt hàng khó nhất mà Bangladesh không làm được. Về vĩ mô, cần cân đối lãi suất, tỷ giá, cách tiếp cận vốn để duy trì.

Nhấn mạnh ưu tiên cho các giải pháp ngắn hạn, ông Trường cho hay Việt Nam đạt 10/12 tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cốt lõi củaHiệp hội Nhập khẩu Dệt may Mỹ  hưng nếu không có đơn hàng, doanh nghiệp thua lỗ và chỉ sau hai năm sẽ giải tán, như vậy không còn cơ hội để phát triển bền vững cho trung và dài hạn.

Trước đó phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề cập đến nguy cơ ngành dệt may Việt Nam đi sau Bangladesh. 

"Trong bối cảnh cầu thế giới giảm mạnh, cùng với việc chi phí logistic và các chi phí khác cao khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn các nước khác. Đặc biệt là dệt may, nguy cơ thua cả Bangladesh khi họ tập trung tái cơ cấu toàn diện, xu hướng xanh hóa, trong khi đó Việt Nam chưa làm được như vậy”, Chủ tịch Quốc hội nói. 

Chủ tịch Quốc hội cũng đặt câu hỏi vì sao Bangladesh vẫn có đơn hàng trong khi dệt may Trung Quốc, Việt Nam sụt giảm, có phải chỉ vì lợi thế giá rẻ.

"Có nhiều thông tin cho rằng Việt Nam đi chậm hơn Bangladesh trong tái cơ cấu ngành dệt may. Tôi sắp đi thăm Bangladesh và sẽ sớm có câu trả lời cho vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội nói và nêu rõ Việt Nam hoàn toàn có thể hình thành chuỗi cung ứng ngành dệt may với Bangladesh như đã từng hợp tác với Thái Lan trong chuỗi cung ứng gạo.          

Anh Đào

Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
SSI Research cho biết kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong quý I/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại. Song đơn vị phân tích này nhìn nhận kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.