Đèo Cả có thể rút khỏi liên danh nhà đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
Thông tin từ TTXVN, CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) vừa có văn bản gửi các cơ quan ban ngành tỉnh Lạng Sơn phản ánh về những vướng mắc chậm được tháo gỡ tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn cũng như vấn đề đầu tư của dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Cụ thể, sau hai năm đưa dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (dự án thành phần 1) vào vận hành, việc triển khai dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (dự án thành phần 2) vẫn bị đình trệ, kéo dài nên toàn tuyến cao tốc chưa được khai thông, các phương tiện theo hướng từ Quốc lộ 1 vào cao tốc và ngược lại đang khai thác tạm thời trên các tuyến nhánh của nút giao tại Km45 nên rất bất tiện, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Đèo Cả trình bày.
Bên cạnh đó, tuyến Quốc lộ 1 đã giảm một trạm thu phí (Km24+800) so với phương án tài chính ban đầu nên nguồn thu của dự án bị thiếu hụt trong suốt vòng đời của dự án.
Các vấn đề nêu trên đã làm giảm lưu lượng phương tiện lưu thông trên cao tốc, ảnh hưởng đến doanh thu, không đảm bảo phương án tài chính cho chủ đầu tư.
Ngoài ra, văn bản Đèo Cả thông tin, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị miễn giảm cho hơn 6.000 phương tiện của các doanh nghiệp và cá nhân địa phương xung quanh trạm thu phí; trong đó có nhiều đối tượng lợi dụng chính sách miễn giảm để trục lợi chưa được kiểm soát và xử lý; không triển khai kịp thời trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu trên tuyến cao tốc để đồng bộ các công trình nhằm cung cấp dịch vụ, thu hút dòng xe vào cao tốc...
Các thay đổi này cùng với việc đại dịch COVID-19 bùng phát kéo dài đến nay làm cho nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn và các nhà thầu đối diện nhiều rủi ro, phía Đèo Cả nêu ý kiến.
Do đó, phía Đèo Cả đã đề nghị cơ quan chức năng bố trí cuộc họp với nhà đầu tư, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) để các bên đánh giá, giải quyết các tồn tại, vướng mắc với dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tránh việc ảnh hưởng thực hiện kết nối dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Thời gian thực hiện trong tháng 10 này.
Nhà đầu tư này cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét việc Ban Quản lý dự án tư xây dựng Lạng Sơn đưa ra đề xuất đối với phương án tách phần nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư độc lập một đoạn tuyến đầu tư công do tỉnh chủ trì, phần còn lại để nhà đầu tư đầu tư theo hình thức BOT và chỉ được thu phí trên đoạn tuyến đó, dẫn đến thời gian thu phí của nhà đầu tư tại dự án lên đến gần 40 năm.
Ông Trần Văn Thế cũng kiến nghị thêm, "địa phương nên công bố lý do dự án thành phần 2, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng bị chậm trễ, thời gian và các biện pháp triển khai hoàn thành dự án cho người dân được biết để theo dõi giám sát công khai và tổ chức đấu thầu công khai minh bạch sau khi dự án được phê duyệt".
Tại dự án thành phần 2, Đèo Cả liên danh với các nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Licogi 16 (LCG) và Công ty Cổ phần Bê tông Hà Thanh, góp vốn vào doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị để triển khai thực hiện.
Nguồn tin từ VOV, phía Đèo Cả tuyên bố sẽ rút khỏi liên danh nhà đầu tư tham gia dự án Hữu Nghị - Chi Lăng.
"Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, uy tín đã cam kết với người dân, chúng tôi chủ động dừng đầu tư dự án này để tập trung cho các khu vực khác. Chúng tôi sẽ trở lại tham gia đấu thầu lựa chọn lại nhà đầu tư khi các tồn tại được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết", VOV dẫn lời ông Trần Văn Thế.
Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2016. Dự án được quy hoạch nhằm nối thông với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn Bắc Giang - Chi Lăng) để hình thành tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị phục vụ lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt Trung.
Tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, quy mô 4 làn xe được đầu tư bằng vốn vay ODA, với tổng vốn dự kiến ban đầu 8.743 tỷ đồng. Sau đó, để giảm áp lực nợ công, Chính phủ quyết định chuyển hình thức đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công (vốn ngân sách nhà nước) sang có vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ với giá rị khoảng 4.000 tỷ đồng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/