|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đền bù 1 tỷ/m2, Tân Hoàng Minh nhiều lần xin chỉnh dự án để tránh lỗ

20:41 | 16/07/2019
Chia sẻ
Tân Hoàng Minh cho biết đã đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng để thâu tóm lô đất vàng tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trung (Hà Nội). Doanh nghiệp này mong muốn sẽ sinh lợi từ đây.

Mới đây, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã công bố một số thông đến dự án xây khách sạn tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng (Hà Nội). Dự án này thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Thời đại mới T&T (doanh nghiệp được giới thiệu thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Lô đất rộng hơn 4.000 m2 của Tân Hoàng Minh tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng được ví như "đất vàng" với vị trí đắc địa, đối diện Tràng Tiền Plaza, cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 100 m. Hiện tại, bên ngoài lô đất vẫn quây tôn và bỏ hoang.

Tân Hoàng Minh bắt đầu được giao đất từ năm 2011 để thực hiện giải phóng mặt bằng để xây dựng trung tâm thương mại kết hợp với tái định cư.

Doanh nghiệp cho biết đã phải bỏ tiền ra di dời một nhà máy nhựa sang khu vực huyện Gia Lâm. Sau đó phải bỏ tiền ra xây dựng nhà tái định cư trên lô đất.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, các hộ dân đã lựa chọn phương án nhận đền bù bằng tiền, không nhận nhà tái định cư. Do đó, Tân Hoàng Minh đã phải đền bù cho các hộ dân với mức giá thị trường của khu vực hồ Hoàn Kiếm là 1 tỷ đồng/m2.

Đền bù 1 tỷ/m2, Tân Hoàng Minh nhiều lần xin chỉnh dự án để tránh lỗ - Ảnh 1.

Toàn cảnh lô đất vàng của Tân Hoàng Minh gần hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Việt Linh.

“Chi phí giải phóng mặt bằng thực tế chủ đầu tư phải bỏ ra cao hơn so với phương án tính toán ban đầu. Thực tế, doanh nghiệp đã bỏ ra 1.000 tỷ đồng cho dự án”, Tân Hoàng Minh cho biết.

Giải thích khâu giải phóng mặt bằng tốn kém, Tân Hoàng Minh cho rằng với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt thì dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế dẫn đến thua lỗ.

Để tháo gỡ khó khăn, chủ đầu tư đã nhiều lần xin thay đổi quy hoạch từ trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư sang trung tâm thương mại, khách sạn. Sau đó, lại chuyển thành mục đích trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở…

Doanh nghiệp cũng xin điều chỉnh quy hoạch so với phương án được Sở Quy hoạch và Kiến trúc chấp thuận năm 2015. Thời điểm đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội chấp thuận phương án kiến trúc với chiều cao 8 tầng, 6 tầng hầm.

Tân Hoàng Minh cho biết sau đó, trong quá trình xem xét việc điều chỉnh quy hoạch, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận chủ trương chuyển đổi sang chức năng thương mại, khách sạn. Tuy nhiên, do địa điểm dự án nằm trong khu phố cổ nên phải triển khai nhiều bước, UBND TP. Hà Nội phải báo cáo Chính phủ chấp thuận. Do đó, việc thay đổi quy hoạch mất nhiều thời gian so với các dự án khác.

Đến ngày 1/9/2017, Văn phòng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan nghiên cứu giải quyết hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch.

Doanh nghiệp này cho biết do thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch đã kéo dài nhiều năm và phức tạp chưa rõ có kết quả nên ngày 16/7/2018 chủ đầu tư đã báo cáo UBND TP. 

Hà Nội cho phép tiếp tục triển khai dự án xây dựng công trình hỗn hợp thương mại, văn phòng và nhà ở bán theo phương án đã được Sở Quy hoạch và Kiến trúc chấp thuận năm 2015.

Hiện tại, Tân Hoàng Minh cho biết đang gấp rút hoàn tất các thủ tục đầu tư để được cấp phép xây dựng, khởi công dự án.

Doanh nghiệp này công bố thông tin sau khi UBND TP. Hà Nội có văn bản trả lời cử tri, nêu lý do chậm triển khai dự án của Tân Hoàng Minh tại số 25-27 Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm). 

UBND TP. Hà Nội cho biết đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chậm triển khai do vướng mắc về quy hoạch 4 quận nội thành trung tâm thành phố.

Trong quá trình triển khai thủ tục dự án, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Thời Đại Mới T&T đã có đề nghị điều chỉnh về quy hoạch kiến trúc. Doanh nghiệp này đã đề nghị xin điều chỉnh dự án về chức năng, chiều cao công trình (lên 12 tầng) song đề nghị này không được đồng ý.

Hiếu Công