Đến 2035, hàng không Việt Nam dự báo thuộc TOP 5 thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Tại Hội nghị và Triển lãm quốc tế "Air Freight Logistics Vietnam" (Hậu cần Vận tải Hàng không Việt Nam) lần thứ 4 năm 2019 diễn ra vào ngày 20/9 tại TP HCM, ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, cho biết trong 15 loại hình vận tải của nước ta hiện nay, đường hàng không chiếm tỉ phần thấp nhất.
Cụ thể, theo số liệu thống kê năm 2018, lượng hàng hóa vận chuyển thông qua đường hàng không tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,23% tổng thị phần, đường bộ chiếm tỉ trọng cao nhất với 93%.
Tuy nhiên với đặc thù vận chuyển hàng hóa giá trị cao, quãng đường dài trong thời gian nhanh, cùng với tốc độ phát triển hàng không "nóng" như hiện nay, vận chuyển hàng hóa bằng máy bay có tiềm năng rất lớn.
Dự đoán đến năm 2035, hàng không Việt Nam được đánh giá nằm trong 5 thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là cơ hội cho hàng không, doanh nghiệp logistics hàng không phát triển.
Toàn cảnh Hội nghị và Triển lãm quốc tế "Air Freight Logistics Vietnam" diễn ra ngày 20/9 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.
Đồng quan điểm, trao đổi với người viết, ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển logistics hàng không lớn nhất trên thế giới.
"Theo số liệu thống kê mặc dù khối lượng vận chuyển rất nhỏ nhưng trị giá chiếm đến 25% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam. Điều đó cho thấy vai trò của logistics Việt Nam hiện nay rất lớn".
Tuy nhiên về cơ sở hạ tầng đang là một trong những thách thức lớn nhất của hàng không Việt Nam.
"Hiện nay chưa có hãng hàng không Việt Nam nào có máy bay chuyên dụng, vận chuyển hàng hóa được phê chuẩn, do vậy những máy bay chuyên dụng hiện nay chỉ là của doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài trong việc vận chuyển bằng đường hàng không", ông Hải cho hay.
Về sân bay, hiện Việt Nam chỉ có 2 sân bay là Nội Bài và Tân Sơn Nhất có nhà ga tiếp nhận xử lí hàng hóa thông qua đường hàng không. Còn lại hơn 40 sân bay trong mạng lưới chưa có nhà ga chuyên biệt, việc xử lí hàng hóa được xử lí chung với hành lí hành khách. Điều này gây nên hạn chế rất lớn.
Bên cạnh đó, ông Hải cho biết thêm hiện nhân lực được đào tạo phục vụ trong lĩnh vực logistics hàng không vẫn còn khan hiếm, cơ sở hạ tầng chưa phát triển đầy đủ cũng là những khó khăn lớn của ngành hàng.
Còn ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ITL, cho rằng thử thách lớn nhất là làm sao các doanh nghiệp logistics nội địa có thể tham gia vào chuỗi giá trị logistics toàn cầu. "Đây là câu hỏi mà các đơn vị logistics Việt Nam cần trả lời", ông Tuấn Anh đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam trên con đường trở thành logistics HUB của khu vực.
"Trong bối cảnh các tập đoàn kinh tế lớn đang tìm địa chỉ mới cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thay cho Trung Quốc. Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành điểm đến hàng đầu", ông Tuấn Anh nói.
Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng cũng nhiều thách thức như phương thức vận tải, đồng nhất mô thức vận tải để tạo sự kết nối tốt giữa cộng đồng doanh nghiệp, các cam kết mở cửa thương mại, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, thuế phí…
"Yếu tố quan trọng nhất là dữ liệu khách hàng, dữ liệu thị trường. Chúng ta cần phải coi khách hàng là trọng tâm, để có hướng thúc đẩy làm sao đáp ứng yêu cầu của các khách hàng, đưa ra giải pháp tốt nhất cho họ.
Phải giúp họ lí giải được tại sao họ chọn HUB này mà không phải HUB khác. Chẳng hạn như Samsung, vì sao họ chọn Việt Nam làm HUB mà không phải nơi khác…
Để làm được điều đó, Việt Nam cần sự hỗ trợ từ các nhà vận chuyển tầm cỡ quốc tế như Hong Kong, tạo ra một thị trường năng động, hỗ trợ công ty vận chuyển phát triển, nâng cao công suất, tăng cường độ tin cậy…." - ông Tuấn Anh chia sẻ.
Các chuyên gia bàn luận về những cơ hội và thách thức của ngành logistics hàng không. Ảnh: Như Huỳnh.
Ông Steven Verhasselt, Giám đốc phát triển kinh doanh của sân bay Liege (Bỉ), chia sẻ có 3 yếu tố để trở thành Logistics HUB đó là hạ tầng, qui trình, nền tảng thông tin.
Các yếu tố khác là kiến thức và nền tảng kĩ thuật số để đơn giản hóa qui trình, đảm bảo tốc độ, tính đáng tin cậy của hệ thống.
Tất cả yếu tố này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Việt Nam nếu muốn trở thành Logistics HUB của khu vực. Riêng về pháp lí để trở thành Logistics HUB cần có cam kết mở cửa thị trường lớn, cho phép các đối tác quốc tế cùng tham gia…
Ông Youssef Beydoun, Quản lí Kinh doanh Vận tải và Vận tải Sân bay Thương mại và Truyền thông Dubai, cho biết ngành công nghiệp 4.0 đang cách mạng hóa kinh doanh vận tải hàng không và đòi hỏi doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn và áp dụng các chiến lược kinh doanh mới.
Ngành Logistics cần ứng dụng công nghệ như Big Data, Internet kết nối vạn vật… để giảm thiểu các nguy cơ, thách thức mới trong tương lai, mà trước mắt là từ cuộc chiến tranh thương mại với nhiều áp lực về nhân lực, pháp lí, công nghệ, hải quan, hạ tầng, an toàn thông tin…
"Vì thế dù Việt Nam rất có tiềm năng, nhưng để logistics hàng không phát triển bài bản cần phải có chiến lược lâu dài và sự liên kết hợp tác chặt chẽ với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để thật sự phát huy hết tiềm năng của ngành vận tải này", ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định.