|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất xây cầu Đuống mới với mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng

16:43 | 27/09/2021
Chia sẻ
Theo đề xuất của Ban quản lý dự án 6, sẽ triển khai xây dựng cầu đường sắt Đuống và cầu đường bộ Đuống để thay thế cho cầu Đuống hiện tại đã xuống cấp nghiêm trọng. Công trình dự kiến triển khai từ năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025.

Ban quản lý dự án (QLDA) 6 vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt sông Đuống) dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, theo Báo Đầu tư.

Dự án có địa điểm xây dựng tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) liên quan đến cả ba phương thức vận tải là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

Trong lĩnh vực đường thủy nội địa, dự án sẽ nghiên cứu xây dựng mới kè bảo vệ bờ sông Đuống khu vực xây dựng cầu Đuống đường sắt và đường bộ, chiều dài xây dựng mỗi bên khoảng 500m.

Phạm vi nghiên cứu đường sắt thuộc dự án có điểm đầu tuyến tương ứng lý trình đường sắt hiện hữu Km9+010, điểm cuối tương ứng lý trình đường sắt hiện hữu Km10+090. Tổng chiều dài đường sắt nghiên cứu khoảng 1.080m.

Đề xuất xây cầu Đuống mới với mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng - Ảnh 1.

Khu vực quy hoạch xây dựng cầu Đuống mới nối thẳng đường Ngô Gia Tự (Long Biên) với Hà Tuy Tập (Gia Lâm) cũng có thêm qui hoạch cầu nối đường Gia Thượng với QL3. (Ảnh: Hạ Vũ).

Đường bộ có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống hiện hữu trên đường Ngô Gia Tự, thuộc địa bàn quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, thuộc địa bàn thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm; tổng chiều dài nghiên cứu khoảng 750m.

Theo đề xuất của Ban QLDA 6, dự án sẽ đầu tư xây mới cầu đường sắt Đuống về phía thượng lưu cách cầu hiện hữu 16,5m (vị trí quy hoạch đường sắt đô thị tuyến số 1), xây mới cầu đường bộ theo quy hoạch để tách cầu đường bộ ra khỏi đường sắt. Trong đó, phương án kết cấu cầu đường bộ và cầu đường sắt sử dụng cầu vòm thép.

Đối với cầu đường sắt sẽ nâng cao độ đỉnh ray lên khoảng 2,75m đảm bảo thông thuyền cấp II tĩnh không hạn chế 50mx7m; cầu đường bộ sẽ có kích thước khoang thông thuyền là 50mx9,5m.

Cầu Đuống cũ sẽ được tháo dỡ các dầm và đập các mố trụ để đảm bảo giao thông đường thủy thông suốt.

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 1.793 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Công trình dự kiến triển khai từ năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025.

Hành lang đường thủy số 1 (Quảng Ninh - Việt Trì qua sông Đuống) là tuyến vận tải thủy quan trọng trong lưu thông hàng hóa từ khu vực cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đến tỉnh Phú Thọ cùng các tỉnh lân cận và ngược lại. 

Trên hành lang này hiện có cầu Đuống với công năng kết hợp giao thông đường bộ (Quốc lộ 1 cũ) và đường sắt (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng).

Cản trở chính của cầu Đuống đối với vận tải thủy trên hành lang đường thủy quốc gia số 1 bao gồm khoang thông thuyền của cầu Đuống quá xiên so với dòng chảy chính của sông, dẫn đến những khó khăn nhất định đối với người điều khiển khi lưu tốc trên luồng lớn hơn 1,5 m/s.

Ngoài ra, tĩnh không của cầu Đuống chỉ còn 2,3 - 2,8 m trong mùa lũ, bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa chỉ khoảng 26 m. Đồng thời nguy cơ cao xảy ra va chạm giữa tàu và trụ cầu, tiềm ẩn mất an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt.

Đối với giao thông đường bộ, sau nhiều năm khai thác Cầu Đuống đã bị quá tải do lưu lượng giao thông đường bộ qua cầu lớn, trong đó có nhiều xe nặng vượt quá tải trọng thiết kế, khiến cho cầu Đuống bị xuống cấp nghiêm trọng.

Cầu Đuống là một cây cầu đường bộ và đường sắt bắc qua sông Đuống, trên quốc lộ 1A cũ, nối phường Đức Giang thuộc quận Long Biên với thị trấn Yên Viên thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Với nhịp giữa có thể xoay được khi thông xe năm 1902, đây được coi là cây cầu xoay đầu tiên tại Việt Nam.

Cầu này được chính quyền thực dân Pháp xây vào cuối thế kỷ 19 và được thông xe vào năm 1902, cùng thời với cầu Long Biên. Cầu lúc đó có 5 nhịp, 2 mố và 5 trụ.

Trong chiến tranh, cầu đã hư hỏng nặng, chỉ còn lại những mố cầu ở hai đầu. Sau chiến tranh, cầu được xây lại ở vị trí cũ và thông xe vào năm 1981, không còn các trụ số 2 và 4. Cầu chỉ còn ba trụ để tạo thuận lợi cho tàu bè qua lại.

Từ nhiều năm nay, các phương tiện giao thông có trọng tải lớn hơn trọng tải cho phép của cầu vẫn được đi qua vì đây là tuyến giao thông huyết mạch. Điều này khiến cho cầu bị xuống cấp nghiêm trọng.

Phương Trang