Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1/7/2020
Tại phiên họp kì họp 8, Quốc hội khóa XIV chiều nay (21/10), báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và kế hoạch phân bổ năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2020 sẽ dành 61.500 tỉ đồng để cải cách tiền lương.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội chiều 21/10/2019. Ảnh: Quochoi.vn
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính cũng đề xuất từ ngày 1/7/2020 điều chỉnh luơng cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng, lương hưu tăng tương ứng.
Nếu mức tăng lương như trên được Quốc hội chấp thuận thì lương cơ sở 2020 sẽ cao hơn mức lương cơ sở hiện tại 110.000 đồng/tháng (hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng).
Thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, một số ý kiến cho rằng, một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi ngân sách nhà nước mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư phát triển khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của ngân sách địa phương và 40% tăng thu của ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương.
Một số ý kiến đề nghị tăng phụ cấp công vụ, vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%; đề nghị dành một phần nguồn lực để tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993, vì mức thu nhập của các đối tượng này khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
Tại Quốc hội chiều nay, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, theo báo cáo quyết toán Quỹ BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2015 có 38 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng có kết dư Quỹ Khám chữa bệnh (KCB) tổng số là 5.838 tỉ đồng; phần 20% để lại cho địa phương sử dụng theo qui định là 1.167 tỉ đồng.
Sau khi báo cáo quyết toán Quỹ BHYT năm 2015 được Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua, ngày 29/12/2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có các văn bản thông báo 20% số kinh phí dành cho KCB chưa sử dụng hết năm 2015 gửi cho từng địa phương.
Để sử dụng có hiệu quả kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2015 mà các địa phương đã tiết kiệm được, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ trình Quốc hội cho phép 11 tỉnh, thành phố được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kinh phí kết dư trên, tổng số tiền là gần 518,4 tỉ đồng.
Sau thời điểm này, phần kinh phí chưa sử dụng hết được hạch toán vào Quỹ dự phòng để điều tiết chung theo quy định của Luật BHYT.