|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đề xuất tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông và internet với cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật trên mạng

15:41 | 19/07/2023
Chia sẻ
Các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật trên mạng có thể bị tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông và internet theo yêu cầu của Bộ Thông tin & Truyền thông (Cục An toàn Thông tin).

Vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã công bố dự thảo nghị định thay thế nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Một trong những phần đáng chú ý trong dự thảo là “Ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng”.

Theo đó, các, ngành, địa phương có trách nhiệm cảnh báo, đề xuất ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin) là đầu mối chỉ đạo và giám sát tuân thủ đối với các doanh nghiệp viễn thông, internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trữ web (hosting), dịch vụ trung tâm dữ liệu (data center) và các doanh nghiệp khác thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.

Bộ TT&TT cũng là đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, internet thực hiện từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng theo yêu cầu.

Đề xuất tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông và internet với cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật trên mạng. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Phước).

Về phía doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trữ web (hosting), dịch vụ trung tâm dữ liệu (data center) và các doanh nghiệp khác, có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin).

Ngoài ra, các đơn vị này cũng có trách nhiệm từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng theo yêu cầu của Bộ TT&TT (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

Cuối cùng, Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet kết nối, nhận lệnh điều phối, báo cáo kết quả qua hệ thống kỹ thuật và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo yêu cầu của Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin).

Bên cạnh đề xuất này, dự thảo nghị định này còn có những đề xuất khác được nhiều người quan tâm, trong đó có đề xuất định danh tài khoản người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại.

Trên thực tế, tỷ lệ tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. 

Trong bối cảnh đó, Bộ TT&TT thấy cần thiết phải bổ sung quy định mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội.

Quy định mới được dự đoán sẽ giúp đảm bảo hiệu quả quản lý, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dùng mạng xã hội khi đăng tải nội dung thông tin lên mạng. 

Anh Nguyễn