|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất lập quĩ phòng chống thiên tai

22:30 | 22/08/2019
Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đề nghị bổ sung trong luật về việc lập quĩ phòng, chống thiên tai ở trung ương chưa nhận được đồng thuận.

Ngày 22/8, tại hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống thiên tai và Luật đê điều được Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường tổ chức, báo cáo một số nội dung chính của dự án luật, ông Vũ Xuân Thành (Phó tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn) cho hay, so với luật hiện hành, ban soạn thảo đã bổ sung thêm quy định về Quỹ phòng chống thiên tai ở trung ương do Bộ này quản lý.

Dự kiến, quỹ nhận đóng góp của các tổ chức kinh tế tại Việt Nam, tiếp nhận hỗ trợ tự nguyện trong trường hợp khẩn cấp và các nguồn đóng góp hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước. 

Quỹ được sử dụng khi có tình huống khẩn cấp hoặc địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng; chi vào các hoạt động phòng chống thiên tai mang tính quốc gia, liên vùng.

Đề xuất lập quĩ phòng chống thiên tai - Ảnh 1.

Ông Vũ Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn trình bày tờ trình tại hội thảo ngày 22/8. Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Lê Văn Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La cho biết, hiện nay Sơn La đã thành lập quỹ phòng chống thiên tai, trong đó để lại 50% cho các huyện xử lý nhanh các vụ việc như gió lốc, lật thuyền, hỗ trợ người dân sập nhà.

"Vừa rồi tôi nghe thông tin không thành lập quỹ này và thấy đó là điều rất lạ vì đây là quỹ rất nhân ái mà mọi người cần đóng góp chung", ông Thành nói và cho biết, từ năm 2018, Sơn La quyết định trích 10% từ nguồn sử dụng đất của ngân sách cấp huyện, tỉnh để đưa vào nguồn chung khắc phục thiên tai.

Ông Nguyễn Hữu Nhung, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đánh giá, quỹ phòng chống thiên tai tạo thêm nguồn lực cho các địa phương xử lý sự cố. Bình quân mỗi năm quỹ của tỉnh này thu được 20 tỷ đồng, chi cho các địa phương 17 tỷ, dự phòng 3 tỷ đồng.

"Quỹ này thực sự giúp ích cho các cơ sở trong những việc rất đơn giản như đóng biển cảnh báo, tập huấn, đặc biệt là tu sửa trường mầm non, trạm xá", ông Nhung nói.

Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông tin, hiện Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam có ý kiến là quỹ này chưa đảm bảo công bằng khi có doanh nghiệp thu hàng tỷ đồng nhưng có doanh nghiệp lại không thu được đồng nào. Bên cạnh đó, quỹ cũng đang vướng quy định về "chi".

"Chi rất khó, phải đúng điều khoản, khiến quỹ chỉ chi được hơn 10%. Như vậy là đóng băng khối tài sản mấy chục nghìn tỷ đồng. Họ có ý kiến như vậy thì chúng ta cũng phải nghiên cứu", vị đại tá quân đội nói.

Ông cho rằng, dự luật cần nghiên cứu quy định việc đảm bảo nguồn lực của nhà nước cho phòng chống thiên tai. Hiện nay, ngân sách của Bộ Quốc phòng chưa có phần nào dành cho phòng chống thiên tai nên trong quá trình xử lý nhiệm vụ rất bất cập. 

Như ứng phó hạn hán năm 2015-2016, quân đội huy động nhiều lực lượng đi mua nước, chở đến cho nhân dân ở vùng hạn nặng nhưng không có nguồn lực nào để đảm bảo, phải dùng ngân sách quốc phòng an ninh.

Đại diện Bộ Tài chính, bà Nguyễn Lê Phương Anh, Vụ hành chính sự nghiệp thì cho hay việc thành lập quỹ phòng chống thiên tai như Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đề xuất chưa phù hợp với Luật Ngân sách.

"Luật Ngân sách có quy định khoản viện trợ không hoàn lại dành cho Chính phủ thuộc phạm vi ngân sách nhà nước quản lý. Do đó quy định các khoản viện trợ là nguồn thu của Quỹ là chưa phù hợp. Còn tiền, hàng thì qua Mặt trận Tổ quốc và Hội chữ thập đỏ. Do đó, tôi đề nghị xem xét lại quy định này", bà Phương Anh nói.

Đề xuất lập quĩ phòng chống thiên tai - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng tại hội thảo ngày 22/8. Ảnh: Ngọc Thắng

Kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, vừa qua Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề xuất bỏ quỹ phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, nếu các bộ, ngành chỉ ra được quỹ đó rất cần thì phải giữ lại.

"Việc chi tiêu chưa hợp lý thì luật phải viết lại cho hợp lý chứ không phải thấy khó thì bỏ đi. Tư duy của chúng ta phải tiệm cận mục tiêu vì dân, khi đó mới làm được", ông Dũng nói.

Ngày 13/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018". Báo cáo của đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ quỹ phòng chống thiên tai và bỏ quy định về cơ chế thu đối với khoản thu này.

Đoàn giám sát cho biết, Quỹ phòng chống thiên tai là Quỹ có nguồn thu từ tiền đóng góp bắt buộc hàng năm của các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập, doanh nghiệp và cá nhân nhằm chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, các quy định về nội dung chi của quỹ trùng với nội dung chi từ dự phòng ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, việc quy định đóng góp bắt buộc của quỹ đã gặp phải sự phản đối từ các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nước ngoài) và người dân ở nhiều địa phương...

Hoàng Thùy

Chủ tịch Dragon Capital: Lần cuối cùng có thương vụ IPO đình đám đã 6 năm trước
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam nói thương vụ IPO đình đám gần nhất đã diễn ra từ năm 2018, tại Diễn đàn M&A 2024.