|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH, rút thời gian tối thiểu hưởng lương hưu xuống 15 năm

15:56 | 17/08/2023
Chia sẻ
Tại dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Một trong những nội dung quan trọng tại Phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 17/8 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là đề xuất hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo dự thảo, nếu hết thời hạn đóng BHXH bắt buộc mà doanh nghiệp không đóng thì phải nộp đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý; đồng thời phải nộp thêm 0,03% mỗi ngày trên tổng số tiền trốn đóng.

Cơ quan có thẩm quyền sẽ ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng theo Bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH sẽ kiến nghị khởi tố. Chủ tịch cấp tỉnh có thể áp dụng chế tài khác với hành vi trốn đóng BHXH tại địa phương.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, các cơ quan có nhiều giải pháp nhằm hạn chế việc chậm, trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, tình trạng này còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, bình quân mỗi năm có 10.000 tỷ đồng trốn đóng BHXH.

Nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp thuộc diện đóng BHXH bắt buộc chưa được quản lý chặt. Biện pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Chính phủ đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh với người đại diện, người được ủy quyền đại diện doanh nghiệp trốn đóng BHXH từ 12 tháng.

Cho ý kiến về vấn đề này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng đề xuất hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành chỉ quy định phạt hành chính. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính mà bỏ trốn. Vì vậy, khi chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với người trốn đóng BHXH mà đã đề xuất hoãn xuất cảnh thì cần phải cân nhắc kỹ.

Rút thời gian tối thiểu hưởng lương hưu xuống 15 năm

Cũng tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các Bộ ngành, các doanh nghiệp đã tập trung đóng góp ý kiến vào một số nội dung như: Giảm số năm bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giải quyết việc lao động rút bảo hiểm xã hội,...

Về điều kiện hưởng lương hưu, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định giảm số năm bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, vấn đề này đang còn có hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến tán thành giảm xuống 15 năm và loại ý kiến đề nghị giữ 20 năm như Luật hiện hành. 

Thứ nhất, việc quy định giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 25 xuống 15 năm là phù hợp với Nghị quyết 28 của Trung ương, đó là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 25 xuống 15 năm và hướng tới là còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp hơn được tiếp cận và thụ hưởng với quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn như là 45 -  47 tuổi mới tham gia lần đầu mới bắt đầu tham gia hoặc là những người tham gia liên tục, không liên tục dẫn đến nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh dẫn chứng, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, trong 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu tiếp tục giữ quy định thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu là 20 năm để được hưởng lương hưu như hiện hành thì sẽ có khoảng 476.000 người đã tham gia bảo hiểm xã hội khó có cơ hội nhận được lương hưu.

Lý do tiếp theo nữa là mặc dù mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khiêm tốn hơn, nhưng mà người có thời gian đóng dài và đầy đủ nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế.

Điều này sẽ góp phần đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người lao động khi về già. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với dự án Luật do Chính phủ trình về việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 25 xuống còn 15 năm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.(Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Nêu quan điểm về nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nhiều điểm mới trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đặc biệt là việc cân nhắc giảm thời gian người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu.

Trước đây, thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài nên nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Những lúc khó khăn như trong dịch COVID-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng bảo hiểm xã hội 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế, dự án Luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần và cơ quan thẩm tra đã đưa ra 5 quan điểm. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mỗi phương án theo Tờ trình của Chính phủ phân tích có ưu điểm và các mặt khác nhau, trong đó, phương án 2 mềm dẻo, hài hòa hơn.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất một phương án để nghiên cứu có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của 2 phương án để ra một phương án. Theo đó, đối với những người tham gia sau khi Luật có hiệu lực không được rút bảo hiểm xã hội 1 lần khi đang trong độ tuổi lao động.

Với người tham gia trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm. Việc làm này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng và đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội.

Đặc biệt, Quỹ Bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng thông với ngân sách, là quỹ tập trung lớn nhất chỉ sau ngân sách. Tính chất của Quỹ do Nhà nước bảo trợ nên trước đây cứ nói khái niệm vỡ quỹ hay không. Nhưng khẳng định không có khái niệm vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội, vì chúng ta có các chính sách thiết kế cân đối để đảm bảo.

Hạ An