|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải

23:25 | 21/07/2022
Chia sẻ
Qua khảo sát tình hình hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải trên toàn quốc thấy, doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, qua khảo sát tình hình hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải trên toàn quốc thấy, doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng.

Trong khi giá nhiên liệu tăng, chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành chiếm từ 35-45%, nhiều doanh nghiệp vận tải tại các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn chưa tăng giá cước.

Cụ thể, tại Tp. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2022 đến ngày 25/6/2022, có 27/53 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh cố định kê khai tăng giá cước từ 1,3% đến 46,34% tùy theo tuyến đường hoạt động (một vài tuyến kê khai tăng giá cao chủ yếu do thời gian dài không điều chỉnh giá). Riêng trong tháng 6/2022, có 7 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh cố định kê khai tăng giá cước từ 1,3-21%.

Các đơn vị vận tải chưa kê khai tăng giá cước còn lại do cạnh tranh giữa các đơn vị cùng khai thác trên tuyến, cạnh tranh giữa các loại hình vận tải và do lượng hành khách đi lại chưa nhiều sau thời gian dịch COVID-19. Ngoài ra, có 2 đơn vị taxi là Mai Linh và Vinasun kê khai tăng giá từ 3-9%, giá cước Grab cũng tăng khoảng 20%.

Tại Cần Thơ, đến thời điểm hiện tại, có 4/9 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có điều chỉnh tăng giá trên các tuyến, mức tăng giá cước từ 10 – 23,08%.

Tại Đà Nẵng, có 10/17 doanh nghiệp xe tuyến cố định liên tỉnh điều chỉnh tăng giá vé/chuyến từ 8,3% đến 13,6% tùy cự ly tuyến. Đối với xe taxi, có 3/6 doanh nghiệp điều chỉnh giá cước/km tăng từ 4,28-4,76%.

Tại Hải Phòng, đến nay cũng chỉ có 15/70 doanh nghiệp vận tải (bao gồm tuyến cố định và taxi) kê khai tăng giá cước, mức tăng giá dao động từ 15-20%.

Còn tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên toàn thành phố chỉ có 2 loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là đề nghị kê khai tăng giá cước. Bao gồm: 9/50 đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định với mức tăng giá dao động từ 10-20% và 8/73 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi với mức giá tăng dao động từ 5-12%.

Với vận tải hàng hóa, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận với việc giá xăng dầu hiện nay, giá cước vận tải hàng hóa tăng khoảng từ 10-20% tùy theo cung đường và loại hàng hóa để bù đắp giá nhiên liệu tăng.

Khảo sát một số đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá và hiệp hội vận tải hàng hoá, với việc giá xăng dầu lập đỉnh mới, giá cước vận tải hàng hoá tăng khoảng từ 10-20% tuỳ theo cung đường và loại hàng hoá để bù đắp giá nhiên liệu tăng.

Trên cơ sở khảo sát tình hình hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải trên toàn quốc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận thấy, hiện nay doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng.

Do đó, để thực hiện các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục giảm thuế trong cơ cấu giá xăng dầu…

Quang Toàn