|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất đầu tư 4 nút giao lớn ở TP HCM

19:43 | 24/07/2024
Chia sẻ
Cầu vượt sẽ được xây dựng tại các nút giao lớn ở thành phố như ngã bảy Điện Biên Phủ, ngã sáu Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị... để giảm ùn tắc.

Đây là nhóm dự án trọng điểm vừa được Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề xuất UBND thành phố ưu tiên đầu tư giai đoạn 2024-2028. Kinh phí cho mỗi công trình khoảng 400 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Ngã bảy Lý Thái Tổ từ trên cao. (Ảnh: Giản Thanh Sơn).

Ngã bảy Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong (quận 3, 10) và ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (quận 5, 10) là hai nút giao lớn ở nội đô thành phố. Hai nút giao này có dạng vòng xoay, ở giữa là tượng đài Công Nhân và An Dương Vương. Hiện, mật độ xe các đường dẫn vào nút giao ngày càng lớn nên những nơi này thường xuyên ùn ứ.

Cầu vượt được xây tại hai khu vực này sẽ gồm các nhánh băng qua nút giao, giúp giảm giao cắt như hiện nay. Hướng đi của các nhánh cầu sẽ được tính toán phù hợp khi bước vào giai đoạn nghiên cứu cụ thể các dự án.

Vòng xoay ngã 7 nút giao giữa các tuyến đường Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong nên thường ùn tắc vào giờ cao điểm. (Ảnh: Gia Minh).

Hai nút giao trên từng được TP HCM dự tính đầu tư nhiều năm trước theo phương án cầu vượt thép. Tuy nhiên, các công trình chưa triển khai vì thiếu vốn và cần nghiên cứu để hạn chế ảnh hưởng mỹ quan.

Cùng với hai giao lộ trên, Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất sớm xây cầu vượt giảm kẹt ở nút giao Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, quận Gò Vấp. Cầu dự kiến dài 500 m, rộng 2-4 làn, cho xe hai chiều theo hướng đường Nguyễn Oanh băng qua đường Phan Văn Trị.

Ngoài ra, ở ngoại thành cầu vượt cũng được dự kiến đầu tư nút giao quốc lộ 1 - đường số 7 - 8 (quận Bình Tân) theo hai phương án cầu vượt hoặc hầm chui, dài khoảng 400 m, rộng 2-4 làn, xe chạy hai chiều theo đường 7 - 8.

Vị trí 4 nút giao được kiến nghị sớm đầu tư ở TP HCM. (Đồ hoạ: Khánh Hoàng).

Trước đó, nhiều nút giao quan trọng khác cũng được ngành giao thông thành phố đề xuất đầu tư trước năm 2030, như Bốn Xã giáp quận Bình Tân, Tân Phú (tổng vốn gần 2.400 tỷ đồng); nút giao giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành với quốc lộ 50 (huyện Nhà Bè) và đường Rừng Sác (Cần Giờ). Các dự án này có mức vốn dự kiến 573 tỷ đồng và 2.400 tỷ.

Gia Minh

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.