Đề xuất dán nhãn cho mặt hàng nông sản
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường đề xuất, xem xét sửa Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa, trong đó, đề xuất dán nhãn cho mặt hàng nông sản.
Trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Trần Tuấn Anh với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu diễn ra ngày 7/8/2019, ông Trần Hữu Linh, đề xuất gắn nhãn hàng hóa cho hàng nông sản.
Cụ thể, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, qua buổi làm việc với Cục Quản lý thị trường TP.HCM, tại chợ đầu mối Thủ Đức nhập 80 tấn nông sản/ngày, trong đó 20% là nông sản nhập khẩu.
Hiện nay, theo quy định của Việt Nam, nông sản không phải ghi nhãn, xuất xứ dẫn đến việc trộn lẫn sản phẩm hàng hóa.
Trong khi đó, các quốc gia phát triển như: Úc, Nhật Bản, New zealand.. nông sản của họ được dán nhãn để bảo vệ thương hiệu hàng hóa. Những nước còn lại, đặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam không dán nhãn. Vì vậy người tiêu dùng không biết đâu là táo Việt Nam, đâu là táo Trung Quốc hay táo New zealand...
Do đó, Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường đề xuất, lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét sửa Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa. Trong đó, đề xuất dán nhãn cho mặt hàng nông sản.
Ông Trần Hữu Linh đề xuất, xem xét sửa Nghị định 43/2017 về nhãn hàng hóa, trong đó, bắt buộc hàng nông sản phải dán nhãn
Liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam đã diễn ra rất sát với dự báo của Bộ Công Thương khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu là 6-8% tăng trưởng so với năm trước.
Theo ước tính của liên Bộ, tính đến hết tháng 7/2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Có 24 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Có tới 33/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Mức tăng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 (7 tháng năm 2018 tăng trưởng 16% so với cùng kỳ 2017) nhưng vẫn có thể đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao là tăng trưởng xuất khẩu từ 7-8% trong năm 2019, ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.
Đáng chú ý, 7 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng mạnh, ước đạt 44 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn tốc độ tăng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thấp, chỉ đạt 16,68 tỉ USD (tăng 0,3%). Bù lại, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 27,51 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2018 với các mặt hàng như: gỗ và các sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện...
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 7 tháng năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 42 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc; thị trường ASEAN; Nhật Bản; thị trường EU; Hoa Kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt 143,4 tỉ USD (tăng 8,3% so với năm 2018). Trong đó, nhập khẩu ô tô lớn nhất với 75.437 chiếc, trị giá gần 1,7 tỉ USD (tăng 511% số lượng và 411% về giá trị so với năm 2018). Nguyên nhân, do một số dòng ô tô con được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Dự báo cả năm 2019 xuất khẩu đạt khoảng 261-262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018, như vậy, bình quân từ nay đến cuối năm, mỗi tháng xuất khẩu phải đạt khoảng 23,2-23,4 tỷ USD.
Đây là nhiệm vụ khó khăn bởi lần gần nhất xuất khẩu của Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã từ tháng 8/2018. Trong khi đó, tình hình kinh tế thương mại thế giới đang suy giảm như hiện nay cũng là một bất lợi để Việt Nam tăng tốc xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2019.
Mặc dù vậy, với những nỗ lực trong việc mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ, các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng có thể hoàn thành mục tiêu đề ra, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu kỳ vọng.