Đề xuất cổ phần hóa công ty của bà Châu Thị Thu Nga để bị hại có nhà
Sáng 10/10, phiên xử sơ thẩm cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bước sang ngày thứ 7.
Trước khi tiếp tục phần tranh tụng, luật sư bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga đề nghị chủ tọa phiên tòa yêu cầu cán bộ dẫn giải tôn trọng quyền tiếp xúc bị cáo của luật sư tại tòa. Luật sư nói ông bị một cảnh sát không đeo biển tên ngăn cản tiếp xúc thân chủ.
Người bào chữa cho Chủ tịch HĐQT Housing Group khẳng định cán bộ dẫn giải yêu cầu luật sư phải xin ý kiến chủ tọa mới được tiếp cận là trái luật và nội quy tại tòa. Về việc này, thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết sẽ xem xét trong giờ giải lao, phiên tòa sẽ tiếp tục theo đúng tố tụng.
Cảnh sát dẫn giải bị cáo Châu Thị Thu Nga đến tòa. Ảnh: Việt Hùng. |
Ký phiếu thu không phải là giúp sức
Trình bày luận cứ bào chữa cho bị cáo Đoàn Thanh Thủy (nguyên quyền Kế toán trưởng Housing Group), luật sư Đặng Xuân Cường nói thân chủ của mình ký vào 57 phiếu thu tiền mặt của khách hàng không phải là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. “Việc làm này là thực hiện đúng công việc được giao, các hoạt động này không trái quy định pháp luật, phù hợp với luật kế toán. Hành vi này cũng không phải là hành vi giúp sức cho bị cáo Nga vì thực tế việc thu tiền đã diễn ra”, luật sư nói.
Theo luật sư, Thủy không cùng mục đích với Nga, điều này phản ánh trong hồ sơ vụ án. Trong một số bút lục, bị cáo Thủy đã trình bày rõ động cơ, mục đích, thực hiện nghĩa vụ của một người làm công ăn lương.
Cùng tham gia bào chữa cho bị cáo Đoàn Thanh Thủy, luật sư Trương Anh Tú bác bỏ quy kết thân chủ phạm tội lừa đảo. “VKS nói các bị cáo tự nhận mình là chủ dự án, đưa thông tin sai lệch, khoan cọc nhồi, đặt mô hình… để từ đó thu tiền. Nhưng thực tế việc thu tiền từ trước khi bị cáo Thủy ký vào biên lai”, luật sư Tú cho rằng tội phạm hoàn thành từ khi tiền vào két của doanh nghiệp. Việc ký phiếu thu hoàn toàn vô nghĩa trong việc xác định hành vi phạm tội.
Về quy kết các bị cáo phải biết dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, ông Tú nói: "Thủy không đủ năng lực thẩm định hồ sơ pháp lý nên việc quy kết Thủy phải biết, tôi thấy là có gì đó rất khiên cưỡng”.
Luật sư cho rằng 2 năm sau khi khởi tố vụ án, bị cáo Thủy mới bị khởi tố vì hồ sơ, chứng cứ đánh giá hành vi của bị cáo này rất non.
Người mua nhà có thể trở thành chủ dự án?
Đề cập đến cách giải quyết quyền lợi hơn 700 người ký hợp đồng mua nhà tại B5 Cầu Diễn, ông luật sư Tú nói: "Chúng ta có giải pháp là cổ phần hóa công ty này và cổ đông là trên 700 người ký hợp đồng. Bà Nga không thực hiện được thì những người này tiếp tục thực hiện thành công dự án”. Đề xuất này của luật sư được nhiều người trong phòng xử vỗ tay hưởng ứng.
Trước đó, trong phần tranh tụng ngày 9/10, các luật sư bào chữa cho Châu Thị Thu Nga và đồng phạm đều đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung do còn nhiều vấn đề về tố tụng và định tội.
Những người tham gia tố tụng có cùng quan điểm bà Nga không lừa đảo mà có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, luật sư còn nhận định việc không triệu tập đủ bị hại, đánh giá số tiền chiếm đoạt dựa vào sổ sách chứng từ là thiếu khách quan...
“Lấy căn hộ, nhất định không lấy tiền”
Không đồng ý nội dung cáo trạng đề nghị Châu Thị Thu Nga phải bồi thường số tiền hơn 377 tỷ cho khách hàng, bị hại Vũ Thị Phương Lan nói bà ký hợp đồng với Housing Group – một pháp nhân chứ không phải cá nhân cựu đại biểu Quốc hội. “Chúng tôi không muốn lấy lại tiền mà chúng tôi chỉ muốn lấy nhà. VKS đề nghị như thế là không bảo vệ quyền lợi của chúng tôi”, bà Lan bày tỏ quan điểm.
Theo bị hại này, việc bà Nga biển thủ tiền Housing Group thì phải trả tiền cho công ty. Còn cơ quan chức năng cần cho phép dự án được triển khai để hàng trăm bị hại sớm có nhà theo nguyên vọng.
Cùng quan điểm, bị hại Chu Thị Thanh Hương cũng không nhất trí với cáo trạng của việc VKS đề nghị bị cáo Châu Thị Thu Nga trả tiền số tiền đã chiếm đoạt. “Chúng tôi ký hợp đồng với Housing Group, đó là một chủ thể pháp nhân được chứng nhận. Tôi mong muốn quý tòa đề nghị đến các cấp có thẩm quyền cũng như UBND Hà Nội để làm sao hoàn thành các thủ tục pháp lý triển khai dự án để chúng tôi lấy căn hộ, chứ nhất định chúng tôi không lấy tiền”, nhiều bị hại trong phòng xử vỗ tay khi chị Hương dứt lời.
Mong HĐXX thông cảm vì phát biểu ý kiến với tâm trạng bức xúc, bị hại Vũ Thị Dần khẳng định không thể nói việc chi tiêu sai mục đích của bà Nga là không có tội. “Chúng tôi là người lao động không có nhà ở thì mới mua. Nộp tiền vào đây con khóc chồng chửi. Mong HĐXX xem xét cho Housing tiếp tục làm dự án đó để chúng tôi có chỗ nương nhờ nắng mưa, không phải bỏ mấy triệu thuê nhà ở”, nữ bị hại cao tuổi nói.
Ông Vũ Hồng Chương, đại diện người bị hại. Ảnh: Việt Hùng.
Lần thứ hai phát biểu tại tòa, ông Vũ Hồng Chương nói để đáp ứng quyền lợi khách hàng, phương án duy nhất là triển khai B5 Cầu Diễn. Gần 4 năm gắn bó với người đại diện mới của Housing Cần tìm hướng giải quyết vụ việc, ông Chương cho rằng cần có một doanh nghiệp đủ năng lực tài chính và kỹ thuật chuyên môn kết hợp với các khách hàng thực hiện dự án.
“Xin lưu ý là bà Châu Thị Thu Nga và ông Lê Sáu (người được bà Nga ủy quyền điều hành công ty) cũng không nên nghĩ rằng Housing có thể đảm nhiệm được dự án này”, theo ông Chương ngoài năng lực tài chính, chuyên môn thì việc tiếp tục dự án phải đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.
Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến năm 2013, cựu đại biểu Quốc hội khóa Châu Thị Thu Nga và các bị cáo được Chủ tịch Housing Group ủy quyền đã ký 752 hợp đồng góp vốn trái quy định, thu hơn 377 tỷ đồng của khách hàng với cam kết sẽ bàn giao 752 căn hộ tại dự án B5 Cầu Diễn. Khi không có nhà bàn giao, bà Nga đã trả lại hơn gần 29 tỷ đồng cho 43 khách hàng và chiếm đoạt, sử dụng hơn 348 tỷ đồng. Trong vụ án này, bị cáo Nga được xác định giữ vai trò chủ mưu. 9 bị cáo còn lại đều là nhân viên dưới quyền của Nga, bị cáo buộc có hành vi giúp sức. |