|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đề xuất cơ chế cho đấu thầu 'điện sạch'

00:35 | 12/01/2022
Chia sẻ
Ngày 11/1, Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam đã tổ chức Toạ đàm "Cơ chế đấu thầu phát triển bền vững thị trường điện năng lượng tái tạo".
Đề xuất cơ chế cho đấu thầu 'điện sạch' - Ảnh 1.

Các diễn giả thảo luận tại Tọa đàm trực tuyến "Cơ chế đấu thầu phát triển bền vững thị trường điện năng lượng tái tạo". Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Tại đây, các chuyên gia nhận định rằng, để thực hiện tốt việc đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian tới, ngoài việc cần có hệ thống cơ sở dữ liệu thì các quy định pháp lý đi kèm hiện cũng cần được hoàn thiện.

Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo cho hay, về ưu điểm, việc đấu thầu sẽ cho kết quả mang tính cạnh tranh và cuối cùng người tiêu dùng sẽ được lợi nhất. Tất nhiên việc tổ chức đấu thầu thế nào cần phải bàn bạc thêm. Mọi quy trình công khai, minh bạch, biểu giá rõ ràng - đó là mục tiêu cần đạt được.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Minh, điểm khó khăn là cách thức tổ chức đấu thầu thế nào. Nếu không đưa ra được quy trình, quy định cụ thể thì sẽ có sự “cong vênh”, gây ra những hệ lụy.

Do vậy, ông Nguyễn Quang Minh cho rằng, cần có bước chuyển đổi từ các cơ chế khuyến khích sang đấu thầu, đây là điều cần thiết và phải làm thận trọng đối với Việt Nam.

Hiện nay, dù đã có các luật liên quan đấu thầu nhưng với lĩnh vực năng lượng, Việt Nam còn bỡ ngỡ. Ở nước ngoài, có 3 mô hình để cho bước chuyển tiếp này như: chồng lấn, bước đệm và thực hiện luôn.

Về pháp lý, Việt Nam có Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và các quy hoạch đất đai, quy hoạch điện, nhưng để xây dựng các quy định, chính sách cho đấu thầu năng lượng tái tạo vẫn khá khó khăn.

Các quy hoạch đất đai và quy hoạch điện cần phải làm đồng bộ với nhau, xem xét để làm sao có quy định sửa đổi cho phù hợp, ông Minh cho biết thêm.

Chia sẻ tại tọa đàm, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Chủ tịch Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam cho rằng, khi đặt ra các tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư, cần phải lưu tâm việc nhà đầu tư có thể đem lại lợi ích gì cho ngành điện, cho quốc gia, người dân và địa phương. Chúng ta cần xem xét nếu không sẽ tạo ra những hệ lụy và gánh nặng lớn sau này.

“Để đấu thầu điện năng lượng tái tạo, chúng ta nên chọn đấu thầu hay đấu giá, loại dự án nào có thể thực hiện? Có thể chọn cả 2 phương án nhưng phải có luật, các quy định chuyên ngành”, Luật sư Nguyễn Hưng Quang nói.

Do vậy, cần phát triển các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan UBND, Bộ Công Thương, các đơn vị liên quan trong tổ chức đấu thầu, đặc biệt xây dựng cơ sở dữ liệu để tổ chức đấu thầu.

Nếu không có cơ sở dữ liệu thì sẽ tạo lợi ích không minh bạch, không bình đẳng cho những ai nắm giữ cơ sở dữ liệu chuẩn, đầy đủ.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho biết thêm, ngoài ra, các địa phương cần hoàn thiện các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch có liên quan đến năng lượng, năng lượng tái tạo để căn cứ vào đó, nhà đầu tư xây dựng hồ sơ đấu thầu…

Bên cạnh đó, cũng cần phải sửa đổi một số luật liên quan để tạo hành lang pháp lý, tránh việc tạo khung pháp lý mà trong đó có nhiều xung đột.

Để hướng đến Net Zero (phát thải ròng bằng "0") năm 2050, việc có thêm các giải pháp để gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo là rất cần thiết. PGS. TS. Nguyễn Hồng Phương, đại diện Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam cho hay, đấu thầu cạnh tranh không giúp khai thác hết được nguồn năng lượng tái tạo, mà sẽ giúp các dự án được triển khai hiệu quả, minh bạch hơn.

Theo ông Nguyễn Hồng Phương, để thực hiện đấu thầu, có thể thực hiện các bước như: xác định mục tiêu năng lượng tái tạo đấu thầu, xác định các khu vực thí điểm và đánh giá ảnh hưởng từng khu vực đến lưới, đến khả năng phát trong cả năm của từng vùng.

“Đề xuất vòng đấu thầu đối với điện mặt trời mặt đất đầu tiên có thể ở 500 MW và nên tập trung ở khu vực Bắc Trung bộ như: Thanh Hóa, Nghệ An, vì điều kiện kỹ thuật khá tốt và năng lực giải tỏa trên lưới tốt. Sau đó, có thể nghiên cứu đấu thầu thêm ở các khu vực khác”, ông Phương đề xuất.

Trao đổi thêm vấn đề này, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam cho hay, với việc đấu thầu dự án điện, ngoài lựa chọn nhà đầu tư, thì cũng là đấu thầu tại địa bàn các tỉnh.

Thay vì được giao cho tổ chức đấu thầu, thì các tỉnh, thành phố cũng phải tham gia, song hành cùng nhà đầu tư để được lựa chọn.

Bộ Công thương có thể đưa ra yêu cầu, kế hoạch đấu thầu mua điện, để các tỉnh chuẩn bị và hàng năm có thể công bố kết quả. Bước tiếp theo là công việc của các nhà đầu tư, tỉnh thành phố sẽ tiến hành chuẩn bị hồ sơ đấu thầu.

Bên cạnh đó, TS Lê Duy Bình cho rằng, đây là giai đoạn quan trọng để chuyển tiếp sang cơ chế đấu thầu, làm sao để “mượt mà” nhất, hạn chế các tranh chấp sau này, duy trì sự hứng thú của các nhà đầu tư với năng lượng tái tạo của Việt Nam…

Đức Dũng