|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất cho học sinh từ mầm non, tiểu học và THCS nghỉ học thêm hai tuần, học sinh THPT đi học từ đầu tháng 3

20:11 | 24/02/2020
Chia sẻ
"Việc tiếp tục cho học sinh cả nước nghỉ học sẽ gây nghi ngờ về tuyến bố Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay (24/2), lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã nêu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ thêm hai tuần, còn học sinh THPT đi học từ đầu tháng 3.

Cụ thể, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc cho học sinh, sinh viên đi học trở lại cần dựa trên một số yếu tố. Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh covid-19, 11 ngày qua không có ca nhiễm mới, 15/16 ca đã khỏi bệnh. Tỉnh Thanh Hóa đã công bố hết dịch, tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị công bố.

Đề xuất cho học sinh từ mầm non, tiểu học và THCS nghỉ học thêm hai tuần, học sinh THPT đi học từ đầu tháng 3 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học sẽ làm ảnh hưởng đến các gia đình, bố mẹ phải trông con, trường tư và trường quốc tế vẫn phải chi trả lương cho giáo viên. Ngoài ra, học sinh từ THCS trở lên có thể không được kiểm soát và ra ngoài tiếp xúc với nguồn dịch bệnh.

Theo kinh nghiệm quốc tế, các nước có dịch vẫn cho học sinh đi học như Nhật Bản, Malaysia, Singapore. Đài Loan cho học sinh đi học từ 25/2, Hong Kong, Mông Cổ dự kiến cho học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3. 

"Việc tiếp tục cho học sinh cả nước nghỉ học sẽ gây nghi ngờ về tuyến bố Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, học sinh THPT trở lên có thể đi học từ đầu tháng 3 vì sức đề kháng tốt và bảo vệ bản thân tốt hơn, đảm bảo thời gian thi chuyển cấp, tuyển sinh vào đại học và du học nước ngoài. 

Học sinh mầm non, tiểu học, THCS do chưa có ý thức bảo vệ bản thân, sĩ số lớp học đông, có thể chưa phải đi học ngay, đề xuất nghỉ thêm hai tuần tùy diễn biến tình hình, sau đó sẽ quyết định.

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nguy cơ lây nhiễm trong nhóm học sinh, sinh viên được đánh giá rất thấp vì dịch bệnh chưa xuất hiện trong cộng đồng. Ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động hướng dẫn biện pháp dự phòng trong toàn hệ thống giáo dục. Việc kéo dài kì nghỉ sẽ dẫn đến tâm lí xã hội bất an trong khi tình hình dịch có thể kéo dài.

Trước đó, tối 22/2, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Bộ trưởng Bộ này vừa kí công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. 

Đồng thời, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xem xét việc cho học sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại sau thời gian tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh covid-19. 

Cụ thể, Bộ điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên như sau:

1. Kết thúc năm học trước ngày 30/6/2020.

2. Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7/2020.

3. Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8/2020.

4. Thi trung học phổ thông quốc gia từ ngày 23/7/2020 đến ngày 26/7/2020.

Căn cứ vào các mốc thời gian nêu trên, các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục năm học 2019-2020 và chuẩn bị năm học 2020-2021.

Thông tin tại cuộc họp cho thấy, tại Việt Nam, không ghi nhận trường hợp nhiễm virus corona mới kể từ ngày 13/2/2020. Đến nay chưa có trường hợp bệnh lây chéo trong cơ sở điều trị, chưa có trường hợp lây từ người bệnh sang thầy thuốc và không có bệnh nhân tử vong.

Việc áp dụng biện pháp khoanh vùng toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (nơi ghi nhận chùm ca bệnh gồm 6 người) là mô hình tốt, chuyển từ biện pháp cách li trường hợp bệnh sang cách li một cộng đồng đã cho thấy hiệu quả của biện pháp này, tạo tâm lý cho người dân an tâm, tin tưởng vào biện pháp quyết liệt của chính quyền trong việc ngăn chặn dịch.

Không ghi nhận trường hợp mắc mới tại xã Sơn Lôi kể từ ngày 13/2/2020. Đến hôm nay 30 trường hợp (công dân Việt Nam) từ Vũ Hán, Trung Quốc về cách li tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đủ 14 ngày, 100% các trường hợp xét nghiệm âm tính, đang hoàn thiện thủ tục cho về nơi học tập, công tác và cư trú.

K.Hà (Tổng hợp)

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.