|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề nghị làm rõ 'ai đang ở trong nhà ở xã hội, tổ chức nào cung cấp'

12:57 | 27/05/2023
Chia sẻ
Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị làm rõ các vấn đề như "Ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội? Tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội? Nhà ở xã hội được trợ cấp, hỗ trợ như thế nào?".

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, sáng nay 27/5, Quốc hội thảo luận hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.  

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) quan tâm đến việc việc giám sát về nhà ở xã hội vì đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, song quá trình thực hiện còn khó khăn; chỗ ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thụ hưởng thực tế còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu và nhu cầu.

 Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá). (Ảnh: Quốc hội).

Về cơ bản, đại biểu Lê Thanh Hoàn tán thành đưa chuyên đề này vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, nhưng cần tập trung hơn về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội, bởi các lý do.

Theo đại biểu Hoàn, chính sách nhà ở xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trước năm 1992, Nhà nước ta thực hiện chính sách phân phối nhà ở cho cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị nhà nước. Đến năm 1991, với sự ra đời của Pháp lệnh về nhà ở thì chính sách bao cấp về nhà ở đã được xóa bỏ.

Tuy nhiên, khái niệm nhà ở xã hội mới xuất hiện chính thức lần đầu tiên trong Luật Nhà ở năm 2005 với ý nghĩa phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.

Luật Nhà ở năm 2014 tiếp tục kế thừa chính sách về nhà ở xã hội, theo đó Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, các cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn nhiều khó khăn, chỗ ở cho người dân - đặc biệt là đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, trên thực tế vẫn còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu và mục tiêu đề ra.

Đại biểu nêu thực tế còn xảy ra tình trạng nhà ở xã hội có địa điểm thì không có người tham gia; trong khi đó có nơi thì số lượng người tham gia lại quá đông; cách xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội cũng còn dư luận nhiều chiều.   

Theo đại biểu, để đạt mục tiêu thì phải định hình rõ hệ thống chính sách, hỗ trợ đến đúng đối tượng, hạn chế tối đa trục lợi từ chính sách.

“Nội dung giám sát tập trung trả lời các vấn đề: Ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội? Tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội? Nhà ở xã hội được trợ cấp, hỗ trợ như thế nào? Thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao? Mục tiêu, ý nghĩa của chính sách nhà ở xã hội thông qua kết quả đạt được như thế nào?", đại biểu Lê Thanh Hoàn nói.

Cùng với đó cần làm rõ 3 nội dung về nhà ở xã hội, đó là: Môi trường cơ sở vật chất của các khu nhà ở xã hội, gồm các đặc điểm và điều kiện sử dụng bên trong và bên ngoài của khu nhà, cây xanh, mức độ ô nhiễm và tiêu chuẩn bảo trì.

Tiếp đến, là môi trường xã hội - bao gồm an toàn, trật tự xã hội, trình độ, ý thức và lối sống của những người tại khu vực có nhà ở xã hội. Cùng với đó, là địa điểm và cơ sở vật chất công cộng – chợ, nhà hàng, khu vực thể thao, sân chơi, địa điểm văn hóa.

Cuối cùng là địa điểm và kết nối giao thông – với ý nghĩa là khả năng liên kết, tiếp cận khu nhà ở xã hội hoặc từ nhà xã hội đến nơi làm việc của người dân, cũng như đến các địa điểm khác trong địa phương.  

Anh Đào

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.