Đề nghị Chính phủ đánh giá hiệu quả các dự án đường sắt sắp đầu tư
Chiều 10/2, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến đường sắt bắt đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), kết thúc tại khu bến Lạch Huyện, đi qua 9 địa phương: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km và ba tuyến nhánh khoảng 27,9 km.
Tuyến chính, đoạn từ ga Lào Cai Mới đến ga Nam Hải Phòng, có tốc độ thiết kế 160 km/h. Đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội có tốc độ thiết kế 120 km/h, trong khi các đoạn nối và tuyến nhánh có tốc độ thiết kế 80 km/h. Tuyến sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực tập trung cho cả tàu khách lẫn tàu hàng.
Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 203.200 tỷ đồng (khoảng 8,37 tỷ USD). Chính phủ dự kiến nguồn vốn cho dự án gồm ngân sách trung ương, địa phương; nguồn vốn trong nước, vốn vay từ Chính phủ Trung Quốc và các nguồn hợp pháp khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng dự án phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng như quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên theo báo cáo của Chính phủ, trong 5 năm đầu tiên khai thác, doanh thu dự kiến chỉ đủ bù đắp chi phí vận hành và bảo trì. Nhà nước cần hỗ trợ khoảng 110 triệu USD cho bảo trì kết cấu hạ tầng trong giai đoạn này.
Ngoài ra, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng dự kiến lỗ khoảng 778 triệu USD trong 4 năm khai thác đầu tiên. Tổng cộng, Nhà nước cần hỗ trợ khoảng 887 triệu USD cho hai dự án này.
Do đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt cùng phương án tài chính nhằm giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Trong giai đoạn 2026-2030, nhu cầu vốn khoảng 177.000 tỷ đồng, và giai đoạn 2031-2035 nhu cầu khoảng 25.800 tỷ đồng. Chính phủ đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù như không thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, cho phép Thủ tướng quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ, huy động vốn ODA và sử dụng nguồn tăng thu ngân sách hàng năm.
Mặc dù đồng tình với việc áp dụng cơ chế đặc biệt, cơ quan thẩm tra vẫn đề nghị Chính phủ đảm bảo nguyên tắc cân đối vĩ mô và an toàn nợ công quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết tuyến đường sắt này là dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng cho khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Dự án được chuẩn bị trong thời gian ngắn, nên chưa có thời gian để các cơ quan nghiên cứu sâu về phương án, quy mô và tầm nhìn.
Ông Mẫn dẫn chứng tuyến đường sắt từ Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) đi Viêng Chăn, Lào với tổng mức đầu tư 6 tỷ USD đã cam kết có lãi sau 23 năm đầu tư. Theo Chủ tịch Quốc hội, tuyến đường sắt của ta cần tính toán hướng tuyến, lựa chọn phương án tối ưu và đảm bảo kết nối giữa các mạng lưới đường sắt khác.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh cho biết Dự án được kỳ vọng tạo tiền đề, động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức.
Khi triển khai, tuyến đường sắt sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp xây dựng, công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ; phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ; giảm ô nhiễm môi trường; giảm tai nạn giao thông; tạo công ăn việc làm. Về quốc phòng, an ninh, tuyến đường sắt mới sẽ tạo thêm một trục cơ động tác chiến trong trường hợp có tình huống khẩn cấp, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp bất thường từ 12-18/2.