Để doanh nghiệp FDI vay vốn ngân hàng Việt, khác nào “lấy mỡ nó rán nó”!
TS. Phan Hữu Thắng chia sẻ những vấn đề liên quan tới FDI ở Việt Nam |
Lâu nay, nói tới ưu tiên thu hút FDI , ai cũng hiểu là để thu hút vốn, công nghệ, việc làm. Trong đó vốn được coi là yếu tố quan trọng đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, gần đây hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài vay vốn trong nước để phục vụ sản xuất ngày một gia tăng. Và “chiêu thức” này được gọi là “lấy mỡ nõ rán nó”, nghĩa là các nhà đầu tư chỉ bỏ công, chứ không bỏ vốn ra để kiếm lợi nhuận.
Bình luận về vấn đề này, TS. Phan Hữu Thắng cho biết: Đứng về mặt nguyên tắc thì không thể để FDI sử dụng vốn trong nước phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, sau 30 năm FDI vào Việt Nam dường như chính sách của Việt Nam đã có sự “uyển chuyển” hơn.
Theo ông Thắng thì 15 năm đầu tiên không có chuyện nhà đầu tư nước ngoài vay vốn tại Việt Nam để làm ăn. Nhưng 15 năm trở lại đây, khi các ngân hàng thương mại (NHTM) ở Việt Nam đã phát triển hơn, tiềm lực đã mạnh hơn, để thích nghi với nhu cầu phát triển thị trường thì câu chuyện cho nhà đầu tư nước ngoài vay vốn bắt đầu diễn ra và ngày một sôi nổi.
“Họ có vốn nhưng không có các dự án tiềm năng để cho vay. Và khi NHNN , Chính phủ 'không cấm', thì các NHTM có thể chọn cách đầu tư vào các dự án vốn đầu tư nước ngoài để triển khai. Như thế vừa bớt rủi ro, lại được cả đôi đường”, ông Thắng nhận xét.
Chúng ta đã “trải thảm đỏ” cho FDI vào Việt Nam bằng cách để nhà đầu tư lựa chọn hình thức đầu tư 100% vốn hay hợp tác liên doanh, liên kết. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 80% dự án FDI là 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, con số 100% vốn đầu tư nước ngoài, nói vậy mà không phải vậy.
Thống kê chưa đầy đủ của NHNN cho thấy, hiện nay dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp FDI ước khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong các năm 2015 – 2016 hàng loạt các NHTM đã ký cam kết tài trợ vốn cho các dự án FDI.
Đơn cử có thể kể ra một số thương vụ lớn mới đây như: VietinBank ký hợp đồng tín dụng tài trợ 7,6 triệu USD cho Nhà máy sản xuất thuốc tiêm của Công ty Medochemie Viễn Đông tại Bình Dương; VIB và Vietcombank chấp nhận tài trợ 540 tỷ đồng cho Tập đoàn TexHong (Hong Kong) để doanh nghiệp này xây dựng nhà máy sản xuất sợi tại Quảng Ninh và đầu tư dự án chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tại TP.HCM.
Theo khảo sát thì nguyên nhân để các nhà đầu tư nước ngoài muốn vay vốn ở Việt Nam là vì việc vay vốn ở nước ngoài cũng không phải dễ. Ví dụ như ở Nhật Bản hay một số nước châu Á thì nhà đầu tư phải chứng minh đực hiệu quả của dự án bằng những tính toán cụ thể. Vì thế mà các tiểu chủ rất thích vay vốn ở Việt Nam, để có thể “lấy mỡ nó rán nó”. Họ chỉ cần bỏ trí tuệ, công sức mà không cần bỏ nhiều vốn để kiếm lời.
Bằng kinh nghiệm làm việc nhiều năm, ông Thắng khẳng định: Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất thích được vay vốn ở Việt Nam. Chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hàn Quốc và là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Được biết là ở các nước kể trên thì doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là những đối tượng “lép vế”, không có nhiều cơ hội để tiếp cận với vốn ngân hàng. Vì thế họ tìm cơ hội để vay vốn ở các nước khác để đầu tư, sản xuất, khi họ đã có sẵn kinh nghiệm sản xuất.
Tuy nhiên, thực tiễn chứng minh, việc các NHTM cho các dự án FDI vay cũng không phải ít rủi ro. Rủi ro ở đây là khi dự án không được triển khai, hoàn thành không đúng tiến độ, họ sẽ không có khả năng trả nợ hoặc chậm trễ. Khi đó NHTM cũng phải tự chịu trách nhiệm.
Soi xét kỹ thì số % vốn đóng góp của các NHTM vào dự án FDI lớn có thể không nhiều, nhưng con số cụ thể thì sẽ không hề nhỏ so với nguồn lực trong nước.
Chưa kể tới trường hợp lâu nay ngân hàng ở ta vẫn quen thói càng dự án lớn thì càng “chủ quan”, dễ dãi trong khâu xét duyệt, thẩm định hồ sơ cho vay. Thiết nghĩ như vậy lại càng nguy hiểm hơn.
Theo VietinBank, trong năm 2015 dư nợ cho vay khối doanh nghiệp FDI của ngân hàng này có sự tăng trưởng bứt phá ở mức 37,5% so với năm 2014. Con số này sẽ còn lớn hơn nữa vì thời gian qua VietinBank đã đưa ra một gói tín dụng riêng phục vụ các doanh nghiệp FDI với tổng giá trị 20 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, Vietcombank cũng dành ra khoảng hơn 10.000 tỷ đồng để cho vay vào khối DN FDI, bởi chỉ trong năm 2015 số khách hàng DN FDI có quan hệ tín dụng với ngân hàng này đã tăng thêm hơn 600 đơn vị.
Theo quan điểm của ông Thắng thì, hiện nay chúng ta nên thắt chặt lại việc các NHTM cho nhà đầu tư nước ngoài vay để kinh doanh ở Việt Nam chứ không phải là mở ra. Bởi “Đã là vốn đầu tư nước ngoài thì phải là của nước ngoài, như vậy thì mới đúng mục tiêu chúng ta đề ra khi thu hút FDI”, ông Thắng thẳng thắn chỉ ra.
Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, thì có lẽ chúng ta cần bàn lại câu chuyện thế nào là 100% vốn FDI và mục tiêu thu hút FDI của chúng ta hiện nay là gì?