Để Đà Lạt thành đô thị di sản
Không một đô thị nào trong nước có được lợi thế về địa hình, cảnh quan, khí hậu cùng với văn hóa, con người, quỹ kiến trúc đô thị như Đà Lạt (Lâm Đồng). Thành phố này hội đủ các yếu tố để trở thành đô thị di sản độc đáo của Việt Nam.
Lợi thế “trời cho”
Với khí hậu dịu mát quanh năm, có rừng thông ngay trong thành phố cùng hệ thống đồi núi, thung lũng, hồ, suối, thác…, Đà Lạt là đô thị duy nhất ở Việt Nam được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều lợi thế để phát triển đô thị. Các yếu tố này tạo cho đô thị Đà Lạt nét đặc trưng: “Thành phố trong rừng và rừng trong thành phố”, “Thành phố sương mù”, “Thành phố Festival Hoa”...
Đặc biệt hơn, theo kiến trúc sư (KTS) Trần Văn Việt, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng, không như những đô thị khác của Việt Nam là đi lên từ làng, xã, thị trấn, thị tứ, Đà Lạt ngay từ đầu đã là đô thị và việc quy hoạch đô thị, xác định chức năng đô thị cũng được thực hiện ngay từ lúc mới hình thành.
Chỉ cần gìn giữ, phục hồi các yếu tố bản sắc chứ chưa cần nói đến đầu tư xây dựng mới, Đà Lạt đã rất thu hút rồi
KTS Ngô Viết Nam Sơn
Bên cạnh đó, theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, đô thị Đà Lạt có nhiều công trình kiến trúc có giá trị do người Pháp để lại qua các thời kỳ, được ví như một Paris thu nhỏ tại Việt Nam, của Đông Dương. Đà Lạt được xem như một bảo tàng các biệt thự và các công trình kiến trúc công cộng, tôn giáo với các thể loại phong cách kiến trúc Âu - Á kết hợp.
Kiến trúc ở Đà Lạt là nghệ thuật “kiến trúc kết hợp với cảnh quan” đã được thể hiện từ những ý đồ quy hoạch ban đầu. Ngoài ra, người Đà Lạt với phong cách hiền hòa, mến khách là một trong những yếu tố thu hút du khách đến chiêm nghiệm và góp phần không nhỏ trong thu hút đầu tư vào Đà Lạt.
Mâu thuẫn bảo tồn và phát triển
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, một chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch, trong mấy thập niên qua, Đà Lạt đã phát triển một cách quá mạnh và xuất hiện mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, những giá trị lịch sử đã thành bản sắc của Đà Lạt tồn tại hơn trăm năm đang bị đe dọa, điều này rất đáng tiếc.
Với việc phát triển ồ ạt nhà nghỉ, khách sạn, nhà lồng, nhà kính trong những năm qua đã khiến cho đô thị Đà Lạt phần nào mất đi vẻ thơ mộng của mình. Thành phố sương mù bây giờ có nhiều nhà cao tầng hơn, bê tông hóa nhiều hơn và nhà kính trắng xóa nhiều vùng; trong khi đó các mảng xanh đô thị, mặt nước của các hồ ngày càng ít đi. Đáng nói hơn, khí hậu Đà Lạt ít nhiều đã có sự thay đổi tiêu cực, tình trạng ngập lụt cục bộ cũng xuất hiện thường xuyên hơn.
Không chỉ vậy, với hơn 250.000 người dân địa phương, cùng trên 6 triệu lượt du khách đến mỗi năm đã làm cho Đà Lạt ngày càng quá tải. Thống kê của ngành chức năng Đà Lạt cho thấy, 5 năm qua, tỷ lệ khách đến Đà Lạt tăng trưởng khá cao, nếu như năm 2014 lượng khách chỉ đạt 3,6 triệu lượt thì năm 2019 đạt hơn 6,1 triệu lượt; 6 tháng đầu năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Đà Lạt cũng đón hơn 1,8 triệu lượt du khách.
Vào những dịp nghỉ lễ hằng năm, Đà Lạt luôn quá tải, đầy ắp du khách (dao động khoảng trên dưới 100.000 lượt/dịp lễ), tình trạng kẹt xe cục bộ đã xảy ra thường xuyên, nhất là vào các giờ cao điểm, cuối tuần.
Trong buổi tọa đàm hướng đến xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị di sản do Sở Xây dựng Lâm Đồng tổ chức mới đây, KTS Lê Quang Ninh (Hội KTS TP.HCM) cho biết: Cách đây hơn 20 năm trong buổi hội thảo về Đà Lạt, lúc đó KTS Hoàng Đạo Kính đã đề xuất xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị di sản.
“Từ đó đến nay, Đà Lạt có thêm nhiều kiến trúc mới không còn tương xứng đô thị di sản, như việc cải tạo chợ Đà Lạt (Dalat Center - PV), các tòa nhà cao tầng; gần đây lại “lùm xùm” việc quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình và dinh Tỉnh trưởng (hiện ngành chức năng đang điều chỉnh quy hoạch - PV).
Trong sự phát triển đô thị, Đà Lạt phát sinh “mùi” và “vị”, đô thị biến dạng sang sản xuất nông nghiệp với hàng loạt nhà kính mọc lên, điều này cho thấy sự mâu thuẫn, chưa phù hợp với hình tượng của đô thị di sản”, KTS Ninh cho hay.
Đô thị di sản cần gì ?
Theo KTS Trần Văn Việt, đô thị di sản không phải là chủ đề xa lạ, nhưng để thống nhất một quan điểm trong điều kiện cả nước chưa có một mô hình kiểu mẫu lại là điều không đơn giản.
“Cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá lại giá trị của quỹ kiến trúc công trình và cảnh quan đô thị hiện có để lập kế hoạch tổ chức quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, khoanh vùng bảo vệ, định hướng phong cách kiến trúc phù hợp cho những công trình dự kiến xây dựng mới, hoặc khu vực giáp ranh công trình di sản. Đà Lạt đã khác biệt, nếu như không có quản lý khác biệt thì cũng dễ trở thành như các đô thị khác”, KTS Việt nói.
Quỹ di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị tại Đà Lạt
Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng phát triển đô thị Đà Lạt cần lấy hồ Xuân Hương làm trung tâm. Bảo tồn các kiến trúc, cảnh quan khu phố Pháp và khu phố Việt đã trở thành yếu tố đặc trưng, có giá trị lịch sử của Đà Lạt ở 2 bên hồ, không nên phá bỏ hay xen cấy các công trình hiện đại vào đây.
Khu vực ven hồ còn lại và hướng về phía Viện Nghiên cứu hạt nhân (đường Nguyên Tử Lực) có không gian rộng có thể phát triển đô thị trung tâm mới hoặc xa hơn là các đô thị vệ tinh.
“Khu Hòa Bình không nên xây nhà cao tầng mà điều chỉnh, xây dựng nơi này thành khu đi bộ. Các tuyến đi bộ có trồng hoa và dịch vụ 2 bên, vừa giữ bản sắc mà cũng tạo được nguồn thu từ du lịch. Ngoài ra, Đà Lạt có địa hình đồi núi nên khi xây dựng công trình cần phải đan xen lớp nhà, lớp cây chứ không nên xây liền các khối bê tông".
"Không tăng mật độ xây dựng ở khu trung tâm, khuyến khích xây dựng khách sạn và đầu tư bãi xe ở vùng ven cũng như phát triển hệ thống giao thông công cộng. Du khách đến ở các khách sạn vùng ven và sử dụng giao thông công cộng thì trung tâm Đà Lạt sẽ hết quá tải, kẹt xe. Chỉ cần gìn giữ, phục hồi các yếu tố bản sắc chứ chưa cần nói đến đầu tư xây dựng mới, Đà Lạt đã rất thu hút rồi”, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất.
Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, cho hay luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2009) chỉ xác định đối với di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, chưa có khái niệm về đô thị di sản. Vì vậy, hướng tới đô thị Đà Lạt là đô thị di sản, đòi hỏi chúng ta phải ứng xử như một di sản, trên cơ sở đó cần có các cơ chế chính sách để phát triển, bảo tồn.
Cũng theo ông Trung, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất chủ trương xây dựng đề án quy chế bảo tồn kiến trúc cảnh quan TP.Đà Lạt. Đây cũng là bước đầu tiên và quan trọng nhất, là bước quyết định để tiến tới xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố di sản đầu tiên trong cả nước.