|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH góp ý kiến về Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ

21:15 | 20/05/2019
Chia sẻ
Nhiều đại biểu đại biểu đóng góp ý kiến cho rằng, với dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm chỉ mới đề cập tới yêu cầu phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp mà không quy định rõ cơ chế thực hiện.
ĐBQH góp ý kiến về Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ - Ảnh 1.

Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Kiên Giang thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Tại phiên họp chiều ngày 20/5 - ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến đóng góp liên quan tới dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo tờ trình trước Quốc Hội.

Theo đó, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều nhất trí, tán thành về tính cần thiết ban hành luật sửa đổi; phạm vi điều chỉnh và nội dung sửa đổi bổ sung của 2 luật nói trên; cũng như các trình tự thủ tục và lộ trình ban hành... nhằm phù hợp với tình hình mới khi Việt Nam cần thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế khi các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực thực thi.

Bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu nhận định, Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ là 2 đạo luật mang tính chuyên ngành cao, nhiều khái niệm chuyên môn được sử dụng trong dự thảo luật sửa đổi.

Để luật sửa đổi có thể dễ dàng được "tiếp thu" và có tính thực tiễn cao; đồng thời nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Bộ chủ quản cần nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hóa hơn nữa các vấn đề còn nổi cộm để phản ánh đúng thực trạng bất cập, từ đó mới có hướng sửa đổi đúng trọng tâm, đúng nội dung và đúng vấn đề cần điều chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến cho rằng, với dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm chỉ mới đề cập tới yêu cầu phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp mà không quy định rõ cơ chế thực hiện.

Vì thế sẽ không đảm bảo được ý nghĩa thực tiễn của việc mua bảo hiểm. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thể lợi dụng quy định này chỉ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp với mức rất thấp để đối phó.

Khi rủi ro xảy ra không đảm bảo an toàn tài chính cho cả tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ bảo hiểm hay các khách hàng... Vì lẽ đó, nhiều đại biểu kiến nghị bổ sung một số quy định cụ thể về thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp của các tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Hay như điều kiện quy định cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm phải có trình độ đại học hoặc trên đại học, được hiểu là phải có trình độ chuyên môn cao hoặc được cấp chứng chỉ đào tạo nghề nghiệp. Như vậy là chưa đảm bảo tương xứng với yêu cầu chuyên môn. Ngay như việc yêu cầu có bằng trên đại học cũng là không cần thiết vì luật chỉ xác định tiêu chuẩn tối thiểu là trình độ đại học trở lên. Do đó, đề nghị chỉnh lý lại yêu cầu văn bản chứng chỉ yêu cầu đào tạo và điều kiện cho phù hợp trình độ chuyên môn của dịch vụ tư vấn bảo hiểm...

ĐBQH góp ý kiến về Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình, đoàn Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Hòa Bình, đoàn Quảng Ngãi nhận định, kinh doanh bảo hiểm và sở hữu trí tuệ là 2 vấn đề có hiệu lực ngay khi thi hành CPTPP. Vi phạm sở hữu trí tuệ liên quan tới nhiều lĩnh vực như pháp luật hình sự, dân sự....; trong đó, cụ thể hóa bởi những hành vi vi phạm về nhãn hiệu, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái....

Dự thảo luật đã nêu khá đầy đủ các loại hình vi phạm liên quan tới sở hữu trí tuệ, song những nội dung xử lý, quy trình thủ tục và cách thức tiến hành hay chế tài xử lý vi phạm... vẫn còn là khoảng trống. Theo ông Bình, nên chăng cần có sự tham vấn của các chuyên gia tư pháp để có góc nhìn đa chiều hơn trong việc hoàn thiện luật. Từ đó mới nhanh chóng khắc phục được nhiều khe hở, những vấn đề còn khiếm khuyết của luật hiện hành.

Tương tự, hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng đã có luật rồi, cũng đã có quy định cho những dịch vụ phát sinh xung quanh bảo hiểm như môi giới bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm, tái bảo hiểm, giám định bảo hiểm, giám định thiệt hại...CPTPP yêu cầu phải đưa toàn bộ các loại hình dịch vụ phụ trợ cho kinh doanh bảo hiểm vào trong luật.

Ông Bình cho rằng, vấn đề đặt ra là cần rà soát xem các hoạt động hỗ trợ bảo hiểm đã được liệt kê chưa, có các hình thức nào để kiểm soát được hay chưa. Đơn cử như hoa hồng bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ thì hoa hồng là rất lớn. Lớn tới mức hiện nay nhiều trường hợp ta đang sử dụng nhiều quyết định hành chính để can thiệp, để ngăn cản...dẫn tới một loạt vụ án hình sự phát sinh do quy định về hoa hồng bảo hiểm. Đó chính là lý do vì sao, Luật Kinh doanh Bảo hiểm cần phải được xem xét lại để bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

ĐBQH góp ý kiến về Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Dương Xuân Hoà đoàn Lạng Sơn. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Dương Xuân Hòa, đoàn Lạng Sơn đặt vấn đề, hiện nay, cơ chế giám sát trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm đang không rõ ràng, nên đã có rất nhiều vụ việc phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn đã xảy ra như thời gian vừa qua.

Mặc dù, dự thảo luật sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm đã có đề cập đến yêu cầu giám sát một số nội dung hoạt động nghiệp vụ, nhưng cơ chế giám sát ra sao thì chưa thấy được nêu. Ngoài ra, hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ kinh doanh bảo hiểm lại càng không rõ ràng.

Riêng về dự thảo Luật Sở hữu Trí tuệ, đại biểu Dương Xuân Hòa không đồng tình với khái niệm chi phí hợp lý trong xử lý các vi phạm liên quan tới sở hữu trí tuệ giữa các bên. Nội dung này từng được đề cập trước đây và nay tiếp tục được đưa vào dự thảo luật sửa đổi. Khái niệm thế nào là chi phí hợp lý rất không rõ ràng, có thể là thỏa đáng với người này nhưng không có nghĩa là thỏa đáng với người kia nhất là khi đưa ra tòa phán xử và sẽ rất khó khăn trong việc xử lý tranh chấp.

Thạch Huê - Thành Trung