|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thương mại Việt - Nga: Xuất tăng, nhập giảm

20:28 | 20/05/2019
Chia sẻ
Liên bang Nga là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam ở châu Âu, song những tháng đầu năm 2019, trong khi kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này tăng cao, thì ở chiều ngược lại có chiều hướng giảm.

Xuất khẩu: Điện thoại chiếm ưu thế

Thông tin cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết tháng 4, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga đạt hơn 1,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 931 triệu USD và nhập khẩu từ “Xứ sở Bạch Dương” là 592 triệu USD. Như vậy, nước ta đang xuất siêu hơn 300 triệu USD.

4 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga tăng trưởng ở mức cao đạt hơn 23,3%, tương đương con số tăng thêm gần 180 triệu USD so với cùng kỳ 2018.

Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 441 triệu USD, chiếm tới 47,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước sang thị trường này trong cùng thời điểm, tăng 16,3% so với cùng kỳ 2018.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác có mức tăng trưởng ấn tượng tại quốc gia lớn nhất thế giới có thể kể đến như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may… Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 102,6 triệu USD, tăng tới 86,5%; dệt may đạt 65 triệu USD, tăng mạnh 86%.

Trong 5 năm gần đây (2014-2018), kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên bang Nga tăng từ hơn 1,7 tỷ USD lên gần 2,45 tỷ USD, tăng khoảng 42%. Theo quan sát của phóng viên, xuyên suốt trong trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam những năm vừa qua, nhóm hàng điện thoại và linh kiện luôn giữ vai trò chủ chốt, có yếu tố quyết định nhất trong sự biến động về tăng trưởng xuất khẩu sang đối tác thương mại lớn ở châu Âu này.

Nếu năm 2015, trong hơn 1,7 tỷ USD kim ngạch xuất riêng nhóm hàng điện thoại đóng góp đến 39%. Đến năm 2018, tỷ lệ đóng góp của nhóm hàng này tăng lên đến 45%. Nhóm hàng điện thoại và linh kiện cũng là ngành hàng xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam cán mốc 1 tỷ USD tại thị trường Liên bang Nga (đạt 1,103 tỷ USD vào năm ngoái). Kim ngạch trong năm 2018 tăng gần 64% so với 5 năm trước, cao hơn mức tăng bình quân của kim ngạch xuất khẩu sang Liên bang Nga trong giai đoạn này.

Ngoài điện thoại và linh kiện, nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng có sự chiếm lĩnh ở thị trường Liên bang Nga khá tốt. 5 năm qua, kim ngạch nhóm hàng này đã tăng từ 124,3 triệu USD năm 2014 lên 228 triệu USD vào năm ngoái, tăng tới 83%.

Sự đóng góp của 2 nhóm hàng công nghệ kể trên vào kim ngạch xuất khẩu sang Liên bang Nga là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá lớn vào kim ngạch của số ít nhóm hàng cũng cho thấy nguy cơ thiếu ổn định trong duy trì tốc độ tăng bền vững đối với hoạt động xuất khẩu nước ta nếu 2 nhóm hàng chủ lực này có biến động.

Trong khi đó, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực mà nước ta có thế mạnh như dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê… vẫn chưa có được sự đột phá trong tăng trưởng ở thị trường rộng lớn này.

5 năm gần đây, các nhóm hàng trên có tốc độ tăng không đáng kể, thậm chí thủy sản còn bị sụt giảm kim ngạch. Cụ thể, dệt may chỉ tăng thêm được 43 triệu USD (từ 136 triệu USD lên 179 triệu USD); giày dép tăng 35 triệu USD (từ 87,2 triệu USD lên 122,3 triệu USD); trong khi thủy sản sụt giảm từ 104,3 triệu USD trong năm 2014 xuống 87,2 triệu USD vào năm ngoái…

Thương mại Việt - Nga: Xuất tăng, nhập giảm - Ảnh 1.

Kim ngạch XNK và cán cân thương mại giữ 2 nước 5 năm gần đây (2014-2018), đơn vị tính "triệu USD" Biểu đồ: T.Bình

Nhập khẩu: Than đá, lúa mì tăng mạnh

Như đề cập ở trên, trái ngược với sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nga những tháng đầu năm bị sụt giảm.

Cụ thể, trị giá 4 tháng qua giảm 88 triệu USD, tương đương mức giảm 13% so với cùng kỳ 2018.

2 nhóm hàng khiến kim ngạch nhập khẩu giảm sụt là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và nhóm sắt thép. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chỉ đạt 8,6 triệu USD, giảm mạnh so với con số 74 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng sắt thép chỉ đạt 84,5 triệu USD, giảm tới 21,5%.

Một điểm đáng chú ý là, trái với đà sụt giảm kim ngạch nhập khẩu chung từ Nga, mặt hàng than nhập từ quốc gia này có mức tăng trưởng đột biến.

Hết tháng 4, cả nước nhập gần 2,3 triệu tấn than, trị giá đạt gần 208 triệu USD. So với cùng kỳ 2018, sản lượng than nhập tăng tới 4 lần, trong khi kim ngạch tăng hơn 3,2 lần.

Dù những tháng đầu năm 2019, xu thế tăng trưởng nhập khẩu từ Liên bang Nga sụt giảm, nhưng nhìn rộng ra cả giai đoạn 5 năm gần đây, quốc gia này lại đạt được sự tăng trưởng rất mạnh trong xuất khẩu hàng hóa sang nước ta.

Thương mại Việt - Nga: Xuất tăng, nhập giảm - Ảnh 2.

Diễn biến kim ngạch 5 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang Liên bang Nga, đơn vị tính "triệu USD" Biểu đồ: T.Bình

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Liên bang Nga đã tăng từ 826,8 triệu USD trong năm 2014 lên 2,131 tỷ USD vào năm ngoái, tăng tới gần 158%, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn này chỉ tăng 42%. Điều này đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam từ Liên bang Nga gấp tới gần 3 lần tốc độ tăng xuất khẩu của nước.

Có thể thấy, 5 năm gần đây hàng loạt các nhóm hàng xuất khẩu từ nước bạn đã tìm được chỗ đứng ở thị trường Việt Nam như lúa mì, than đá, sắt thép… Trong đó, lúa mì tăng từ gần 16,4 nghìn tấn, kim ngạch hơn 5 triệu USD lên hơn 2,9 triệu tấn, kim ngạch 656 triệu USD vào năm ngoái, tăng tới gần 178 lần về sản lượng và hơn 131 lần về kim ngạch chỉ sau 5 năm. Than đá cũng tăng hơn 249 nghìn tấn, kim ngạch hơn 25 triệu USD lên gần 2,85 triệu tấn, kim ngạch 291,5 triệu USD vào năm ngoái, tăng hơn 11 lần về sản lượng và kim ngạch. Trong khi sắt thép tăng từ hơn 27,5 nghìn tấn, kim ngạch hơn 14,4 triệu USD lên gần 549,5 nghìn tấn, kim ngạch hơn 316,3 triệu USD, tăng gần 20 lần về sản lượng và gần 22 lần về kim ngạch.

Nhìn vào kết quả xuất nhập khẩu giữa 2 nước trong nhiều năm gần đầy như đề cập ở trên, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Liên bang Nga tăng nhanh và ổn định nhờ sự đồng đều của nhiều mặt hàng. Chính vì vậy, cán cân thương mại giữa 2 nước ngày càng được thu hẹp từ con số xuất siêu (của Việt Nam) gần 900 triệu USD năm 2014 xuống còn 315 triệu USD vào năm 2018.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thái Bình

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.