ĐBQH đề xuất thu hồi vốn đầu tư công với những địa phương giải ngân chậm
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 và dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 diễn ra sáng ngày 5/11, tình hình chậm giải ngân đầu tư công tại một số địa phương là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đưa ý kiến.
Trao đổi với báo chí tại hành lang Nhà Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp đánh giá, mặc dù thu ngân sách đã đạt được con số ấn tượng nhưng tình hình chi ngân sách năm nay chưa được tốt.
"Đây là vấn đề cần phải rút kinh nghiệm đối với Chính phủ và các địa phương vì tiền trong ngân sách có nhưng lại không thể chi dù nhiều Bộ, ngành và địa phương đang cần. Nếu chi được số tiền này thì GDP cả nước cũng có khả năng tăng lên đáng kể", ông Phạm Văn Hoà nói.
Từ những báo cáo về thu, chi ngân sách, để đảm bảo nguồn chi đầu tư công, ông Hoà đề xuất nên thu hồi vốn đối với những địa phương, đơn vị giải ngân đầu tư công chậm để đầu tư, chi cho những địa phương, Bộ, ngành có hồ sơ đã chi, giải ngân nhanh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ giao chỉ tiêu thu ngân sách một cách chuẩn xác, phù hợp với thực tế. Mặc dù việc thường xuyên vượt thu là một tín hiệu tốt, nhưng theo một số đại biểu, việc này xảy ra thường do công tác đánh giá, dự báo thu chưa chính xác.
Trước đó, tham gia thảo luận tại hội trường, ông Triệu Quang Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, Báo cáo số 652 của Chính phủ đã cho thấy công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian giao vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Theo ông Huy, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do vai trò của người đứng đầu tại một số cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn...
Ông Triệu Quang Huy đề nghị bổ sung quy định người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt.
Đại biểu khẳng định, việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Cùng quan tâm đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, ông Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nhận định, tình hình đầu tư công trong năm vừa qua đã được Chính phủ thực hiện quyết liệt, tiêu biểu trong đó phải kể đến dự án đường cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành đã hoàn thành được khối lượng lớn công việc.
Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, đại biểu cho rằng tình hình đầu tư công vẫn vẫn một số hạn chế, trong đó có việc giải ngân còn chậm. Theo đánh giá của ông Hạ, tình hình đầu tư công năm nay đang có chiều hướng chững lại về cuối năm.
Qua tìm hiểu thực tế, đại biểu chỉ rõ, ngoài những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia thì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong cả nước đang bị "tắc". Nguyên nhân chính là do tình trạng thiếu nguyên vật liệu.
Theo ông Hạ, việc Luật Đấu thầu quy định nhà thầu khi tham gia đấu thầu chỉ phải đặt cọc 20% giá trị của gói thầu nhưng Nghị định 126 quy định thời gian chậm nhất để hoàn thành nghĩa vụ là 90 ngày đã dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng đấu giá lên xong bỏ cọc, sau đó bán tăng giá phần nguyên vật liệu mình đang có để trục lợi.
Một bất cập khác cần tháo gỡ được đại biểu nêu ra là vấn đề cát tại chỗ. Cụ thể, đối với những dự án nhỏ thì cát tại chỗ không thiếu nhưng không được cấp phép nên không khai thác được. Vì vậy phải đi sang địa phương khác tìm mua, từ đó cũng khiến giá nguyên vật liệu tăng lên.
Ông Hạ nhấn mạnh, nguyên nhân sâu xa của những vấn đề này là do chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa tốt, kéo theo việc chuẩn bị đầu tư các dự án còn kém, dẫn đến chậm tiến độ. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phải sớm triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn tới.