ĐBQH: 'Cần có khuyến cáo để doanh nghiệp chủ động hạn chế đầu tư'
Ngày 31/5, Quốc hội tiến hành thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm.
Đại biểu Đặng Xuân Phương (đoàn Nghệ An) cho hay, qua thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội đều băn khoăn, trăn trở về việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5%.
Đại biểu đặt câu hỏi "liệu các giải pháp như tiếp tục tăng quy mô tín dụng, giảm lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản và các ngành hàng hướng đến xuất khẩu có thể giải quyết vấn đề đầu ra cho hàng hóa dịch vụ của Việt Nam lúc này hay không".
Ông Phương dẫn báo cáo mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp là vấn đề đơn háng sau đó mới đến khó khăn tiếp cận vốn vay.
Ông Phương cũng cho rằng trong nội bộ của từng ngành cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
"Thời gian vừa qua nền kinh tế có sư đóng góp lớn của ngành xây dựng và bất động sản, hai ngành này chiếm trọng số lớn trong cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương nhưng dòng chảy của vốn chảy quá nhiều vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Điều này lệch pha với nhu cầu thực tế về phát triển du lịch trong khi các điều kiện hạ tầng khác chưa đáp ứng phù hợp theo", ông nói.
Đại biểu Đặng Xuân Phương kiến nghị trên cơ sở dự báo kinh tế cần có khuyến cáo để các doanh nghiệp và hộ gia đình chủ động hạn chế đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất; cần tổ chức lại sản xuất theo hướng sử dụng lao động luân phiên, hạn chế việc sa thải đột ngột gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người lao động; xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo đối với các ngành nghề dư thừa năng lực có nguy cơ suy thoái trong dài hạn.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh cần rà soát những vướng mắc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng băn khoăn khi tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2023 lại tăng trưởng chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh đang rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân là lãi suất cho doanh nghiệp vay vẫn còn ở mức cao hoặc tiếp cận với lãi suất thấp thì thủ tục còn nhiều rườm rà nên doanh nghiệp có tiếp cận với nguồn vốn để phục hồi, phát triển sản xuất. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát những vướng mắc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, doanh nghiệp được ví như xương sống của nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy, phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải sống thật khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh.
Trước tiên, cần rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức; hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp. Bên cạnh đó là khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng khẳng định: Khi và chỉ khi chúng ta thực sự quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi và phát triển. Do đó, đất nước cũng như các địa phương mới có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.