Thái Lan có 38 sân bay, Malaysia 66, Phillipines 70, Việt Nam đến năm 2050 mới chỉ có 33 sân bay
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 31/5, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay nhiều dự án đang phải chờ các loại quy hoạch tỉnh, vùng, ngành, quốc gia.
Với hệ thống quy hoạch cảng hàng không toàn quốc, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng, so với các nước, địa hình Việt Nam rất phù hợp với phát triển hàng không, hiện cả nước có 22 cảng hàng không, nhiều cảng bị quá tải, nhất là vào dịp cao điểm, dịp Tết.
Theo dự thảo quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đến năm 2030 do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) soạn thảo trình Chính phủ, đến năm 2030 cả nước có 30 sân bay, đến năm 2050 tăng lên 33 sân bay.
Số sân bay Việt Nam sở hữu hiện ít hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực như: Thái Lan có 38 sân bay, Malaysia có 66 sân bay trong đó có 38 sân bay thương mại, Phillipines có 70 sân bay. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần tăng số lượng sân bay của Việt Nam.
Về nguồn lực đầu tư, đại biểu cho rằng không nên dựa vào ngân sách nhà nước mà có thể cho phép địa phương thu hút xã hội hóa. Địa phương nào năng động thu hút đầu tư phát triển du lịch thì sẽ thu hút được đầu tư sân bay.
Hiện nay, Bộ GTVT đã trình đề án xã hội hoá khai thác cảng hàng không sân bay. Đây là chủ trương mang tính đột phá và rất đáng mừng nhưng việc xã hội hóa gặp nhiều khó khăn do tư nhân chỉ được đầu tư các sân bay nhỏ và vừa, các sân bay này hầu hết đều thua lỗ, Đại biểu chỉ ra.
Trong khi đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được quy hoạch đầu tư 6 sân bay lớn có lợi nhuận tốt là: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Tân Sơn Nhất và Long Thành. Theo số liệu từ Bộ GTVT, 5 sân bay lớn kể trên (trừ sân bay Long Thành) chiếm tới 78% thị phần hành khách, 90% thị phần hàng hoá.
Nguyên nhân thứ hai khiến tư nhân chưa mặn mà đầu tư sân bay là cơ chế chính sách chưa hấp dẫn, toàn bộ sân bay xã hội hoá đều phải theo phương thức hợp tác công tư PPP. Ví dụ như sân bay Cà Mau theo quy hoạch sẽ dễ bị "bỏ rơi" vì ACV không có kế hoạch đầu tư mở rộng còn nhà đầu tư mới chưa thấy hấp dẫn nên rất khó khăn để đầu tư.
Đại biểu cho rằng, lúc này rất cần sự điều chỉnh, hoàn thiện chính sách xã hội hóa đầu tư khai thác cảng hàng không, sân bay và tập trung đầu tư cảng hàng không sân bay làm bệ đỡ cho các cảng hàng không tăng cạnh tranh, tăng tốc phát triển ngành hàng không.
Sự phát triển của hệ thống cảng hàng không sẽ đóng góp thiết thực cho địa phương có sân bay, cho kinh tế xã hội phát triển và tăng hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, Đại biểu Thanh nhấn mạnh.