|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các địa phương cam kết tăng trưởng ít nhất 8%

19:39 | 21/02/2025
Chia sẻ
Lãnh đạo nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh cam kết đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay, thậm chí ở mức cao hơn.

Việt Nam dự kiến GDP 2025 tăng ít nhất 8%, tạo đà cho những năm tiếp theo tăng trưởng kinh tế hai chữ số (trên 10%). Chính phủ giao tổng sản phẩm địa phương (GRDP) phải từ 8% trở lên, trong đó khoảng hai phần ba có tốc độ tăng trưởng hai chữ số.

Tại hội nghị Chính phủ và các địa phương ngày 21/2, các tỉnh thành đều cam kết sẽ đạt chỉ tiêu tăng trưởng được giao, nhiều địa phương đặt mục tiêu cao hơn.

Chẳng hạn, Quảng Ninh được giao GRDP tăng 12% năm nay, song Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đức Ấn cho biết địa phương này sẽ phấn đấu vượt hơn 14%. Với mức này, quy mô kinh tế của Quảng Ninh sẽ tăng thêm 48.000 tỷ đồng so với năm ngoái, tức có thể đạt 395.000 tỷ đồng.

"Đây là con số lớn, đòi hỏi quyết tâm nỗ lực vượt bậc", ông Ấn nói, thêm rằng tỉnh xác định lấy đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách làm động lực tăng trưởng chính. Cùng với đó, họ tập trung tháo gỡ những khó khăn liên quan đến thủ tục đầu tư, quy hoạch, giải phóng mặt bằng và đất đai.

Tương tự, Hải Phòng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số, bình quân đạt 12,35% trong 10 năm qua. Chỉ tiêu GRDP của thành phố năm nay là 12,5%. Với mức này, Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng nói thành phố sẽ đạt cao hơn. Họ cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2026-2030 với mục tiêu GRDP bình quân 15,6%, cao hơn mức 14% được giao.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phát biểu từ đầu cầu trực tuyến tại Hải Phòng. (Ảnh: VGP).

Năm nay, Hà Nội và TP HCM - hai đầu tàu kinh tế của cả nước - lần lượt được giao mức tăng 8% và 8,5%.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được nói thành phố phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10%, cao hơn so với mức 8,5% được giao. "Đây là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn nhưng không thể không làm", ông nói.

Trước mắt, thành phố ổn định bộ máy sau sắp xếp để bắt tay vào làm việc, cải cách hành chính, tháo gỡ các dự án tồn đọng nhằm tạo nguồn thu ngân sách, nguồn lực để cho thành phố phát triển. Về lâu dài, TP HCM sẽ rà soát, đề xuất các cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược. Dự án Trung tâm tài chính quốc tế sẽ được triển khai để tạo kênh thu hút vốn cho quốc gia và TPHCM.

Còn theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, để đạt tăng trưởng 8% trở lên thì quy mô nền kinh tế của Hà Nội năm nay phải đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm ngoái. Mức này cũng chiếm 12,6% GDP cả nước. Ngoài ra, nhiều địa phương khác như Bắc Giang, Đà Nẵng, Đồng Nai... đều cam kết sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế được giao.

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, tín dụng ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết cơ quan này sẽ chỉ đạo các nhà băng triển khai các gói tín dụng ưu đãi như 100.000 tỷ đồng cho thủy sản, gói hỗ trợ nhà ở 120.000 tỷ đồng.

Với lãi suất và tỷ giá, những biến số tác động đến dòng vốn vào ra của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước theo dõi diễn biến hàng ngày để chủ động điều tiết. Nhà điều hành cũng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm chi phí, hạ lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Ở góc độ vĩ mô, bà Hồng cho biết để đạt được tăng trưởng cao thì cần khai thác tối đa các yếu tố vốn. Song nguồn lực này đang phải huy động trong nước và nước ngoài, vì bản chất nền kinh tế là tiết kiệm chưa đủ bù đắp nhu cầu đầu tư.

Do đó, bà cho rằng nhà điều hành cần gỡ khó, giảm tầng nấc trung gian trong phê duyệt, triển khai dự án. Việc này nhằm nâng hiệu quả sử dụng vốn, từ đó dòng vốn sẽ quay về ngành ngân hàng nhiều hơn, giúp việc giảm lãi suất thuận lợi.

Bà ví dụ dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay là 3,48 triệu tỷ đồng nhưng nhiều dự án đang gặp khó khăn. Dòng tiền sẽ trở lại ngân hàng khi các dự án gặp vướng mắc được tháo gỡ, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế 2025. (Ảnh: VGP).

Còn theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ đặt ra yêu cầu đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững, trong đó yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào GRDP trên 50%. Bộ đề nghị các địa phương đưa tỷ lệ này lên 50-55%, từ đó có kế hoạch chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ.

Ông Duy cho hay Nghị quyết cho phép tính các chi tiêu nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được trừ vào chi phí tính thuế thay vì trước đây chỉ cho trích quỹ tối đa 10% lợi nhuận sau thuế. Với cơ chế mới này, doanh nghiệp có thể tăng đầu tư nghiên cứu phát triển 10-20 lần.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các vùng động lực tăng trưởng gồm Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng, các cực tăng trưởng như Hà Nội và TPHCM phải phát huy thế mạnh.

Hoàn thiện thể chế vẫn được xác định là "đột phá của đột phá", do đó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" và giảm thủ tục hành chính, tăng phân cấp, phân quyền.

Cùng với đó, đầu tư công được đẩy mạnh, dẫn dắt đầu tư. Năm nay, tổng số vốn đầu tư công 2025 là 826.000 tỷ đồng, đã phân bổ hơn 86%. "Dứt khoát phải phân bổ ngay vốn công trong quý I, nếu chưa xong thì thu hồi, điều chuyển cho nơi khác", lãnh đạo Chính phủ nói.

Ngoài ra, ông yêu cầu phát triển mạnh thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, có chính sách visa phù hợp thu hút khách du lịch, tỷ phú thế giới vào Việt Nam. Các cơ quan phải có chính sách khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm để thêm động lực tăng trưởng mới.

Thủ tướng lưu ý, tăng trưởng kinh tế phải gắn với việc xử lý các vấn đề phát sinh trong ngắn, trung và dài hạn, đặc biệt là già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên và rủi ro từ tình hình quốc tế, khu vực.

Phương Dung