|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH kiến nghị tạo lộ trình thực hiện PCCC, sớm mở lại cơ sở du lịch, dịch vụ, giải trí bị tạm dừng

16:01 | 31/05/2023
Chia sẻ
Đánh giá quy định PCCC đặt tiêu chuẩn quá cao, chi phí tốn kém doanh nghiệp không thể khắc phục, một số ĐBQH nêu vấn đề về cần sớm tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, giải trí.

Theo chương trình ngày 31/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn hiện nay, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công dự án Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án đường cao tốc Bắc – Nam.

Theo đại biểu, tiến độ giải phóng mặt bằng không đồng đều ảnh hưởng đến thi công chậm trễ, khó có thể giải ngân theo kế hoạch, cần khắc phục tình trạng vốn chờ công trình.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Với những khó khăn của doanh nghiệp, Đại biểu đề nghị tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn của ngân hàng, vay vốn ngân hàng, vốn tín dụng. Ngân hàng vừa huy động được dòng tiền nhàn rỗi trong người dân vừa cho vay doanh nghiệp với mức lãi suất hợp lý, hài hoà lợi ích, có kiểm soát nợ xấu phát sinh. 

Bên cạnh đó, đại biểu Hoà kiến nghị cần có ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, phí, lệ phí trước bạ nhằm thu hút doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và thành lập mới, quan tâm đến thị trường bất động sản, chứng khoán để hoạt động thuận lợi, dễ dàng, có kiểm soát.

Đặc biệt cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc những quy định về phòng cháy, chữa cháy, tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành, không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình chưa tính đến khả năng khi áp dụng vào thực tiễn. Đại biểu cho rằng, nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn thì sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở doanh nghiệp phải đóng cửa.

Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh rằng, cần tháo gỡ vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) để phục hồi hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.

Đại biểu Mai Văn Hải cho biết, sau hai năm COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động, việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Gần đây, việc tổng rà soát về công tác phòng cháy, chữa cháy lại một lần nữa khiến doanh nghiệp rơi vào khó khăn bị xử phạt, đình chỉ hoạt động do không đảm bảo các quy định về PCCC.

Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều doanh nghiệp và người lao động, dẫn đến một số cử tri bức xúc vì quy định PCCC tiêu chuẩn quá cao, áp dụng quy định nhưng không phân loại mức độ rủi ro nên gây khó khăn cho doanh nghiệp, việc áp dụng hệ thống PCCC theo tiêu chuẩn mới chi phí quá lớn nên doanh nghiệp không thể khắc phục được.

Do đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình PCCC, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và năng lực của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cần phân loại cụ thể các đối tượng quản lý PCCC theo mức độ, nguy cơ để có biện pháp xử lý phù hợp, có lộ trình để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện tốt yêu cầu về PCCC. Cần tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, giải trí.

Hạ An