Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 15/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình, làm rõ hơn một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Củng cố an ninh tài chính quốc gia
Về quyết toán ngân sách, Bộ trưởng cho biết năm 2018, nền kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, song cũng còn nhiều khó khăn. Qua công tác quyết toán cho thấy, tình hình thu, chi ngân sách nhà nước đạt những kết quả rất tích cực và từng bước cơ cấu lại theo hướng bền vững, phù hợp với các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội.
Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, bội chi và nợ công giảm mạnh, từ đó giúp củng cố an ninh tài chính quốc gia, tạo thêm dư địa giúp nước ta có khả năng chống đỡ tốt hơn trước những tác động từ bên ngoài như đại dịch COVID-19 vừa qua.
Liên quan đến tính bền vững và xây dựng chỉ tiêu dự toán thu ngân sách nhà nước của địa phương, Bộ trưởng cho biết thời gian qua, thu ngân sách nhà nước hằng năm đều vượt dự toán nhưng một số khoản thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, đầu tư nước ngoài, thu ngoài quốc doanh, hay nói cách khác là thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các khu vực doanh nghiệp có khó khăn vào năm 2018 và không đạt dự toán, trong khi khoản thu từ đất vượt lớn.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thực tế này có cả nguyên nhân chủ quan do dự toán thu cao hơn khả năng thực tế.
"Về thu tiền sử dụng đất, quan điểm của chúng tôi là giao dự toán sát với số đăng ký của các địa phương. Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến khích các địa phương đẩy mạnh việc cho thuê đất thu tiền hàng năm thay vì thu một lần. Tuy nhiên, đây là khoản thu phụ thuộc vào thị trường và điều hành của địa phương," Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Về xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước của một số địa phương thực hiện thấp hơn năm 2017, Bộ trưởng cho biết: Vấn đề tổng thể dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2018, nếu không kể thu từ dầu thô, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ tức và lợi nhuận còn lại, thì thu từ sản xuất kinh doanh tăng 12,5% so với thực hiện năm 2017 và cao hơn GDP cộng với lạm phát là 11%.
"Tuy nhiên, để rà soát dự toán cho từng địa phương thực sự rất khó khăn," Bộ trưởng bày tỏ. Ông cho biết nhiều địa phương có nguồn thu đặc thù phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn như thủy điện, rượu, bia, thuốc lá, ôtô, lọc dầu...
Hơn nữa, dự toán năm sau được xây dựng trên cơ sở ước thực hiện năm hiện hành, nhưng số ước này thường được đưa ra từ tháng 7 năm trước. Vì vậy, có thể số ước này không sát với thực tế thực hiện cuối năm.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế và Hải quan xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin về cơ sở thuế để khi tính toán dự toán thu cho các địa phương được xác thực hơn.
Nợ đọng thuế năm 2018 đã giảm cả số tuyệt đối và tỷ lệ so với thu ngân sách nhà nước, trong đó riêng số thuế nợ có khả năng thu hồi giảm từ 45 nghìn tỷ đồng năm 2017 xuống còn 38,75 nghìn tỷ đồng năm 2018, tương ứng với giảm 14%.
Số nợ thuế không có khả năng thu đến cuối năm 2018 tăng 5.000 tỷ đồng so với 2017, chiếm 49,2% tổng nợ. Đây là các khoản nợ thuế của các đối tượng đã chết, mất tích, doanh nghiệp giải thể, phá sản và không còn tài sản để thu hồi nhưng chưa được xóa nợ, vẫn phải theo dõi và tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày nên số nợ ngày càng tăng lên.
Rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi ngân sách
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định vấn đề về kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách thời gian qua đã có nhiều chuyển biến.
Tuy nhiên, tình trạng chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý về đầu tư, quản lý sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, tài chính ngân sách nước ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương và địa phương.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, chi ngân sách nhà nước đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, tập trung cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế-xã hội và thu, chi, cân đối ngân sách nhà nước năm 2020.
Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án điều hành; đề xuất các giải pháp về tài khóa để ứng phó với tác động của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn xã hội.
Trong đó có việc thực hiện gia hạn 5 tháng tiền thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh; miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19, vật tư, nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ôtô.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc; trình Quốc hội xem xét giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ; trình giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020; phối hợp với các bộ, ngành rà soát cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân.
Về chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết bên cạnh việc phải đảm bảo dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020 (bao gồm cả kế hoạch năm 2019 chuyển sang), ngân sách nhà nước còn phải bố trí nguồn tăng chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời, chủ động tăng cường dự trữ quốc gia, hỗ trợ kịp thời người dân ở những khu vực khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
"Mặc dù đến nay, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, song diễn biến thế giới còn rất phức tạp. Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng, có độ mở cao, tác động của đại dịch này tới nền kinh tế là rất nghiêm trọng và có thể kéo dài," Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định.
Trên cơ sở kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đã đưa ra các kịch bản tác động đến cân đối ngân sách nhà nước. Kết quả thu ngân sách 5 tháng đầu năm mới đạt 38,2% dự toán, giảm 9,2% so cùng kỳ và là mức thấp nhất từ năm 2014 đến nay. Dự báo thu ngân sách năm 2020 sẽ không đạt dự toán Quốc hội quyết định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán, các cấp ngân sách (cả Trung ương và địa phương) đều phải rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi.
Theo đó, trên cơ sở thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi, sắp xếp, cắt giảm các nhiệm vụ chi, quản lý chặt chẽ sử dụng dự phòng ngân sách; các địa phương sử dụng các nguồn lực hợp pháp, bao gồm cả nguồn tăng thu ngân sách năm 2019 chuyển sang, để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, Bộ Tài chính dự kiến trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 4,5%, bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4,73% GDP, tương ứng tăng 75.000 tỷ đồng so với dự toán đầu năm; nợ công khoảng 55,5% GDP.
Trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 3,6%, bội chi ngân sách nhà nước khoảng 5,02% GDP, tương ứng tăng 90.000 tỷ đồng so với dự toán đầu năm; nợ công khoảng 56,4% GDP.
Tuy nhiên, với cả hai kịch bản này, dự kiến bội chi ngân sách nhà nước bình quân 5 năm vẫn nhỏ hơn 3,9% GDP, nợ công khoảng 55% GDP.
Trước tình hình sản xuất-kinh doanh, cân đối thu-chi ngân sách còn khó khăn, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, công tác điều hành ngân sách nhà nước từ nay đến cuối năm cần lưu ý một số điểm, trong đó có việc triển khai hiệu quả các giải pháp tài khóa hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo nhịp sống sinh hoạt bình thường của người dân, trong khi vẫn phải tiếp tục cảnh giác cao với dịch bệnh.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc giải ngân cần được đẩy nhanh, phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả năm 2019 chuyển sang) khoảng 700.000 tỷ đồng (bằng 2,2 lần số vốn thực giải ngân năm 2019); tranh thủ đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế.
Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ, nguồn tăng thu ngân sách năm 2019 chuyển sang năm 2020 và nguồn lực tại chỗ để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự trên địa bàn và các nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh theo chế độ và hỗ trợ trong trường hợp bị hụt thu; rà soát, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thật cần thiết để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/