Bên lề Quốc hội: Tạo đòn bẩy để giải ngân vốn đầu tư công đạt tiến độ
Một trong những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2020 được Chính phủ đặt ra là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020.
Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV phóng viên TTXVN đã phỏng vấn một số đại biểu xung quanh việc có khả thi không khi giải ngân đầu tư công luôn chậm không đạt kế hoạch cũng như giải pháp để hoàn thành mục tiêu này.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên-Huế): Khắc phục những tồn tại
Vốn đầu tư công và một số vốn ODA là vấn đề tồn tại muôn thuở qua các nhiệm kỳ bởi nhiều lý do nhưng một trong những lý do đó là nguồn vốn phân cấp.
Mặc dù đã có nguồn vốn trung hạn chỉ rõ công trình của các địa phương và Bộ ngành và Quốc hội cũng sớm phân bổ ngân sách nhưng hiện nay đang tồn tại quá nhiều phân tầng.
Chẳng hạn như Bộ Tài chính phân về cho các Bộ, sau đó các Bộ lại họp tiếp đưa về cho các tỉnh, các tỉnh lại đến cấp huyện và cấp xã nên sẽ rất muộn.
Thông thường, ngân sách Nhà nước và kể cả chương trình mục tiêu quốc gia tới tháng 6 các tỉnh mới triển khai được.
Thế nhưng, do đặc thù từng địa phương, có những tỉnh tháng 9 lại là mùa mưa nên rất khó khăn trong việc giải ngân kịp tiến độ.
Ngoài ra, những công trình động đến giải phóng mặt bằng như đất đai của người dân, tài sản trên đất của họ cũng vô cùng phức tạp.
Do vậy, nếu không làm đến nơi đến chốn sẽ vướng mắc như trường hợp sân bay Long Thành, quyết tâm 2 năm nhưng đã 5 năm chưa xong, vốn thì bỏ ra 1 tỷ USD.
Tôi cho rằng tại các cuộc họp Chính phủ thường kỳ không chỉ bàn về kinh tế đất nước mà tập trung cả các công trình trọng điểm, đặc biệt là chi cho đầu tư phát triển, những công trình cấp bách và có tính chất lan toả.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp): Không giải ngân bằng mọi giá
Thời gian qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân của đầu tư công cũng như phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo đó, những tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP của cả nước chỉ hơn 30%, thấp nhất so với cùng kỳ trong hơn 10 năm nay.
Tôi cho rằng đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Vì vậy, đầu tư công hay giải ngân đầu tư công là vấn đề hết sức quan trọng nên cần đưa ra để kích cầu tăng trưởng GDP, nhưng không thể đòi hỏi mức tăng trưởng GDP cao để giải ngân bằng mọi giá. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc chi ngân sách và sẽ dẫn tới những vấn đề không đúng với quy định rất nguy hiểm.
Việc Chính phủ đề xuất giải ngân vốn đầu tư công rất phù hợp nhưng cần có những tính toán chi ly hữu hiệu để chi đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả và trọng tâm nhất.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh): Tận dụng thời cơ vàng
Tôi nghĩ rằng cần cố gắng phấn đấu để giải ngân đầu tư công đúng theo tiến độ nhưng không phải làm bằng mọi cách giải ngân hết. Việc này phải được làm dựa theo tiêu chí đảm bảo tiến độ và hiệu quả của công trình, giám sát việc chi đầu tư công tránh lãng phí và thất thoát.
Cùng với đó, Chính phủ nên một cơ chế linh hoạt từ nguồn vốn từ khu vực này nếu gặp khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thì chuyển hướng sang khu vực khác.
Đặc biệt, cơ chế này còn có thể áp dụng việc điều chuyển từ địa phương này sang địa phương khác và không cứng nhắc như hiện nay. Hơn nữa, Chính phủ phải có một tổ công tác hỗ trợ cho Bộ Giao thông Vận tải triển khai các công trình dự án về lĩnh vực giao thông.
Năm 2020 này, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chắc chắn không đạt như kỳ vọng và chắc chắn ở mức thấp nhưng việc kiểm soát dịch bệnh tốt sẽ
là điều kiện tạo đà tăng trưởng cho giai đoạn sau. Vì thế, cần phải giải quyết nhanh về điểm nghẽn cơ sở hạ tầng và nhất là lĩnh vực giao thông.
Ngoài ra, Quốc hội cũng phải dành thời gian rà soát lại thể chế để có thể ban hành một bộ Luật để sửa nhiều luật đang cản trở như Luật Đất đai chưa sửa chữa nên phải rà soát lại.
Đây là hai điểm nghẽn trong hoạt động các địa phương đang vướng phải nên Thường vụ Quốc hội và các địa phương phải chia sẻ với Chính phủ nhằm tháo gỡ nhanh thể chế này.
Đặc biệt, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều đồng thuận với Thường vụ Quốc hội trong quyết sách chưa đến kỳ họp Quốc Hội, Thường vụ vẫn có thể giải quyết về mặt thể chế.
Nếu giải quyết được hai điểm nghẽn này cộng với cơ hội thông qua các FTA, nhất là Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, CPTPP đang tạo nhiều thuận lợi cho thương hiệu Việt Nam, uy tín Việt Nam.
Hiện nay, cả nước đang đón đầu sự chuyển dịch từ các nhà đầu tư từ các nước khác nhờ uy tín của Việt Nam. Bởi, nhà đầu tư thường tìm đến những nơi ổn định về chính trị, ổn định về kinh tế vĩ mô và nguồn nhân lực và thị trường cũng như cơ hội sinh lời.
Như vậy, Việt Nam trong 5 năm qua đã làm quá tốt các vấn đề này cùng với việc quản trị quốc gia và kiểm soát dịch bệnh tốt chắc chắn sẽ thu hút đầu tư.
Vấn đề ở đây là phải chọn lựa nhà đầu tư như thế nào và cần có tiêu chí để đảm bảo thu hút các nhà đầu tư. Chẳng hạn như phải thân thiện với môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo công nghệ cao và kết nối với các doanh nghiệp trong nước.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu được 263 tỷ USD; trong đó 70% là của nhà đầu tư nước ngoài FDI nhưng trong 70% đó nhà đầu tư nước ngoài phải nhập nguyên vật liệu về. Theo đó, cứ 100 USD nhập 80 USD nên Việt Nam chỉ hưởng 20 USD và FDI của Việt Nam chỉ đem lại 20-25% giá trị gia tăng.
Chính vì vậy, để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài cần ưu tiên các nhà đầu tư có kết nối với doanh nghiệp trong nước để tạo đòn bẩy và chính sách hỗ trợ nhằm tận dụng thời cơ vàng giúp đất nước phát triển nhanh hơn.