|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cần những giải pháp 'không bình thường' thúc đẩy đầu tư công

08:39 | 04/06/2020
Chia sẻ
Cả nền kinh tế đang ở tình trạng không bình thường thì cũng cần đến những biện pháp không bình thường để thúc đầu tư công.

Nhiều đơn vị vẫn "án binh bất động"

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 31/5, ước giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương mới đạt hơn 122.241 tỷ đồng (đạt gần 26% kế hoạch năm).

Qua gần nửa năm, tình hình giải ngân còn rất chậm. Đặc biệt năm nay lượng vốn cần giải ngân cao gấp hơn 2 lần so với năm ngoái. Như vậy, còn lượng vốn rất lớn đang chờ giải ngân (hơn 577.000 tỷ đồng).

Cần những giải pháp không bình thường thúc đẩy đầu tư công - Ảnh 1.

5 tháng đầu năm 2020, ước giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương mới đạt hơn 122.241 tỷ đồng (Ảnh minh họa: KT)

Trong tổng vốn giải ngân của 5 tháng đầu năm nay, vốn trong nước đã giải ngân hơn 114.819 tỷ đồng (đạt 27,96% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.421 tỷ đồng (đạt 12,37% kế hoạch).

Theo Bộ Tài chính, có 7 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%. Trong đó, có 3 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 40% gồm: Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Ngân hàng Phát triển (61,09%), Kiểm toán Nhà nước (43,14%), Ninh Bình (66,6%), Hưng Yên (50,07%), Thái Bình (48,4%), Bắc Giang (47,61%), Nghệ An (43,22%), Nam Định (35,8%).

Có 34 bộ, cơ quan trung ương và 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Trong đó, có 18 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Nhiều bộ, cơ quan trung ương vẫn “án binh bất động”, giải ngân không cải thiện so với tháng trước. 

Nhiều đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào, như: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…

Đối với nguồn vốn nước ngoài, tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm 2020 đạt 12,37% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 3,38% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 5,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). 

Tuy nhiên, vẫn còn số lượng tới 44 đơn vị (11 bộ, ngành và 33 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) tỷ lệ giải ngân đạt dưới 2% tổng số vốn kế hoạch được giao khoảng 21.700 tỷ đồng.

Theo đại diện Bộ Tài chính, việc giải ngân chậm trễ là do một số dự án của các bộ, ngành, địa phương được bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia, nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020, do đó chưa thể giải ngân.

Bên cạnh đó, một số dự án đang trình phê duyệt thiết kế, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, chưa ký hợp đồng nên chưa thực hiện và giải ngân (các dự án của Bộ Y tế là hơn 1.241 tỷ đồng). 

Một số dự án mới được phê duyệt bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và mới giao kế hoạch vốn năm 2020 trong tháng 4 và tháng 5/2020 nên chưa giải ngân.

Đối với nguồn vốn nước ngoài, từ đầu năm đến nay, một số bộ, ngành, địa phương vẫn đang tập trung giải ngân kế hoạch vốn 2019 còn lại và được kéo dài đến hết ngày 31/12/2020. Một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, sửa đổi hiệp định vay, hiện nay vẫn chưa xong thủ tục để giải ngân kế hoạch vốn năm 2020...

“Thúc nhanh” giải ngân để duy trì đà tăng trưởng

Năm nay, lượng vốn cần giải ngân cao gấp hơn 2 lần so với năm ngoái. Như vậy, còn lượng vốn rất lớn đang chờ giải ngân là hơn 577.000 tỷ đồng. Theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khi nền kinh tế tốt, chi tiêu công ít, dành đất cho khu vực tư nhân. 

Khi nền kinh tế yếu, khu vực tư nhân khó khăn, thì ngân sách phải chi ra, đầu tư công phải trở thành động lực. 700.000 tỷ đồng tiền ngân sách dành cho đầu tư công năm nay sẽ nuôi cả nền kinh tế. Dòng tiền này bơm ra từ đầu tư công sẽ tạo nguồn cung - cầu cho hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó có khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Cần những giải pháp không bình thường thúc đẩy đầu tư công - Ảnh 2.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Nhưng theo ông Thiên, đầu tư công đang rất trì trệ và khả năng sẽ còn trì trệ nếu không vượt qua những quy định đang cài răng lược, cản trở nhau hiện nay. Đầu tư công sẽ còn trì trệ nếu không vượt qua được những nguyên tắc, quy trình đã làm khó đầu tư công nhiều năm nay.

“Không phải vì có dịch Covid-19, chúng ta mới nói đến yêu cầu này, mà vì nó, chúng ta càng thấy rõ nếu không thay đổi, thì cách làm cũ đang giết chết nền kinh tế”, ông Thiên chỉ rõ.

TS. Trần Đình Thiên cho rằng, lúc này cả nền kinh tế đang ở tình trạng không bình thường thì cũng cần đến những biện pháp không bình thường để thúc đầu tư công. Cụ thể, cần phải có những giải pháp theo kiểu cắt bỏ quá khứ, bỏ các quy định hành chính để các dự án hạ tầng, kết nối đã có vốn, chỉ đợi thủ tục là có thể triển khai được ngay.

“Bỏ qua những quy trình, nguyên tắc cũ không có nghĩa là vô nguyên tắc, mà phải đưa quy trình, thủ tục khác để phê duyệt, phải đơn giản, rõ ràng và tính chịu trách nhiệm cao hơn. Đầu tư công cũng cần mở cửa cho khu vực tư nhân tham gia”, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là rất đáng ngại, kéo dài nhiều năm qua. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

“Đầu tư công được thúc đẩy, giải ngân nhanh không chỉ góp phần vào tăng trưởng, không chỉ là vấn đề hạ tầng của tương lai mà còn là cơ hội cho doanh nghiệp. 

Do đó, nếu cần, chúng ta có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn mức dự kiến ít nhiều, và nếu cần thì vay từ các tổ chức quốc tế”, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu ý kiến.

Cẩm Tú