Lợi gì khi chuyển đầu tư công 8 dự án cao tốc?
Chính phủ vừa có tờ trình đề xuất Quốc hội xem xét chuyển đổi hình thức 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng 100% vốn NSNN. Việc chuyển đổi này sẽ mang lại những lợi ích gì? Quá trình triển khai, những vấn đề nào cần lưu ý? Báo Giao thông ghi nhận ý kiến một số ĐBQH, chuyên gia nhằm làm rõ hơn những nội dung này.
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:
Cần rà soát cân đối vốn
Về mặt chủ trương, tôi ủng hộ đề xuất của Chính phủ trong việc chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc chuyển đổi cả 8 dự án sang đầu tư công cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nguồn vốn của Nhà nước để đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là khả năng cân đối ngân sách và trần nợ công Quốc hội đã quy định.
Thực tế, các dự án BOT giao thông hiện nay chủ yếu sử dụng nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và đang có dấu hiệu không tốt về phương án tài chính khi nhiều dự án thua lỗ, nhiều ngân hàng đang e ngại tài trợ vốn cho các dự án mới.
Trong bối cảnh này, tôi ủng hộ chủ trương chuyển đổi 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, bởi đầu tư hạ tầng giao thông là đầu tư cho quốc kế dân sinh.
Điều tôi băn khoăn nhất là theo dự báo nợ công của chúng ta sẽ đạt đỉnh vào năm 2021 và bắt đầu giảm dần từ 2022 - 2023, nhưng trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 hiện nay rất khó khăn khi Nhà nước đã phải bỏ ra rất nhiều tiền.
Ngoài gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, tới đây, Quốc hội còn quyết thêm chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số miền núi cũng khoảng vài chục nghìn tỷ đồng, nhưng chưa ai tính tới nợ công sẽ tác động thế nào. Vì thế, việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam cần phải xem xét thật kỹ.
Trong trường hợp Nhà nước không đủ nguồn lực, giai đoạn trước mắt có thể chuyển đổi trước một số dự án cao tốc Bắc - Nam có tính cấp bách, kết nối liên vùng, khu kinh tế trọng điểm, còn việc kết nối toàn tuyến lùi lại sau.
Do đó, Chính phủ, Bộ GTVT cần phải giải trình rõ nguồn vốn khi chuyển sang đầu tư công 8 dự án cao tốc Bắc - Nam với các quan hệ về nợ công, về cân đối ngân sách của chu kỳ 2021 - 2025.
Ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN):
Chính phủ chắc chắn đã cân nhắc kỹ nợ công
Tôi rất tán thành với đề xuất của Chính phủ, bởi chắc chắn khi đưa ra đề xuất này, Chính phủ đã phải cân nhắc kỹ trần nợ công. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là phải đẩy nhanh tiến độ triển khai, đưa tuyến cao tốc Bắc - Nam vào khai thác càng sớm càng tốt. Kinh tế muốn phát triển phải có hạ tầng, đó là quy luật, thông lệ của thực tiễn và của nhiều nước phát triển trên thế giới.
Tuy nhiên, khi chuyển sang hình thức đầu tư công, dư nợ của nền kinh tế sẽ tăng cao bởi Nhà nước phải cấp thêm hơn 44.000 tỷ đồng cho dự án, do vậy, Chính phủ phải có các chính sách kiểm soát chặt chẽ.
Đặc biệt, các dự án cao tốc Bắc - Nam nếu được chấp thuận chuyển đổi sang đầu tư công, Chính phủ, Bộ GTVT phải thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu một cách công khai, minh bạch.
TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên chuyên gia tư vấn cao cấp của JICA:
Chuyển đổi ngay để tránh rủi ro cho ngân hàng
Nguồn vốn để đầu tư PPP ở Việt Nam thời gian qua chủ yếu là vốn vay tín dụng của các ngân hàng trong nước. Trong khi đó, rủi ro của các dự án BOT giao thông đến nay vẫn chưa thể giải quyết bởi nhiều dự án đang thua lỗ, doanh thu từ thu phí không đủ trả lãi ngân hàng.
Tiền của ngân hàng cho các nhà đầu tư vay làm dự án BOT giao thông thực chất là tiền gửi tiết kiệm của người dân. Nguồn tiền huy động trong dân chủ yếu là ngắn hạn, bởi thông thường người dân chỉ gửi tối đa khoảng 1 - 2 năm, nhưng vòng đời của các dự án BOT giao thông thường kéo dài 10 - 20 năm. Xét về góc độ tài chính, việc này rất rủi ro cho các ngân hàng.
Ngay từ giai đoạn trước đây, khi các dự án BOT giao thông chớm nở rộ, các ngân hàng đã đưa ra cảnh báo về rủi ro tín dụng, nếu bây giờ tiếp tục triển khai 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, rủi ro cho ngân hàng sẽ càng tiếp tục trầm trọng hơn.
Do đó, trong giai đoạn này, Chính phủ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công là rất đúng đắn để tránh rủi ro cho ngân hàng. Bởi nếu hệ thống ngân hàng sụp đổ thì hệ lụy cho nền kinh tế là khôn lường.
Hơn nữa, chuyển sang đầu tư công 8 dự án này cũng là cách Nhà nước bơm tiền để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là giai đoạn sau khi chịu hậu quả nặng nề của dịch Covid-19.
Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả:
Quan trọng là chính sách
Làm PPP hay đầu tư công thì đất nước cũng vẫn chỉ có nguồn vốn như vậy, quan trọng nhất là chính sách. Nếu Chính phủ quyết định đầu tư tiếp một số dự án cao tốc Bắc - Nam bằng hình thức PPP thì cần sửa đổi một số cơ chế, tạo điều kiện hỗ trợ để nhà đầu tư thu xếp nguồn vốn tín dụng trong nước.
Còn nguồn tiền lẽ ra dùng để đầu tư công các dự án cao tốc Bắc - Nam, Nhà nước có thể dùng để “bơm” vốn cho các ngân hàng thương mại để tăng năng lực cho các ngân hàng này. Cách khác, Nhà nước có thể dùng dòng tiền đầu tư công đó để bảo lãnh cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu công trình.
Vấn đề quan trọng nhất vẫn là chính sách, không phải là ngân hàng không có tiền, nếu ngân hàng nới “room” cho BOT giao thông thì chắc chắn vẫn có nguồn vốn để thực hiện các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam.
Bà Bùi Thị An (ĐBQH khóa XIII):
Nghiên cứu phát hành TPCP cho dự án khi chuyển đổi
Dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, khi hoàn thành sớm sẽ góp phần rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng, góp phần vực dậy nền kinh tế sau khi chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Tôi cho rằng, chủ trương của Chính phủ chuyển đổi sang đầu tư công đối với các dự án này là đúng đắn trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, trong khi chờ cấp thẩm quyền quyết định, Chính phủ cũng cần phải rà soát lại tổng thể về nguồn vốn và đánh giá tác động của chủ trương này đối với xã hội, nhất là tác động đối với trần nợ công.
Phải nói rằng, ngân sách trong giai đoạn hiện nay còn gặp khó khăn, nên để chuyển đổi hình thức đầu tư công 8 dự án cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung từ các nguồn khác như phát hành Trái phiếu Chính phủ, chứ không thể chỉ trông chờ vào mỗi ngân sách.
PGS. TS. Trần Chủng (Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam):
Nên tiếp tục triển khai dự án PPP khả thi
Đề xuất của Chính phủ là cần thiết nhưng tôi cho rằng, không nên chuyển đổi toàn bộ cả 8 dự án PPP đã được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết 52/2017. Bởi, đầu tư bằng PPP vẫn là cách tốt nhất để giảm nợ công. Hơn nữa, nguồn ngân sách hiện nay cũng đang chi cho rất nhiều việc cấp thiết khác.
Theo tôi, Chính phủ chỉ nên chuyển đổi những dự án PPP cao tốc Bắc - Nam không có nhà đầu tư tham gia và các dự án có liên quan đến an ninh quốc gia.
Còn lại, một số dự án PPP khác có tính khả thi cao, nhà đầu tư tư nhân muốn tham gia cần phải tiếp tục triển khai. Qua công tác sơ tuyển vừa qua, nhiều đầu tư đã tính toán phương án tài chính của một dự án khả thi và bày tỏ mong muốn được tham gia.
Về nguồn vốn, hiện nay, các nhà đầu tư có thể liên danh với nhau để hợp vốn, tăng vốn chủ sở hữu. Đương nhiên, vốn tín dụng là trở ngại lớn nhất đối với các dự án PPP giao thông hiện nay.
Nếu một ngân hàng tài trợ riêng cho một dự án cao tốc sẽ rất khó khăn nhưng liên ngân hàng cùng hợp vốn sẽ hoàn toàn khả thi. Điển hình nhất là thành công tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khi 4 ngân hàng hợp vốn cho dự án vay 6.686 tỷ đồng.
Bài học từ việc liên ngân hàng hợp vốn chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ nước Anh. Trước đây, họ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư PPP như chúng ta hiện nay, nhưng họ thoát ra được và gặt hái nhiều thành công từ PPP giao thông thông qua chính sách hợp vốn giữa các ngân hàng.
Nếu Nhà nước có chính sách, chúng ta hoàn toàn có thể hóa giải được khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam từ việc hợp vốn liên ngân hàng.
Còn trong tương lai, Nhà nước cần hình thành Quỹ Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giống như mô hình của Hàn Quốc đã từng áp dụng để có thể huy động nguồn lực xã hội mãnh mẽ hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án hạ tầng triển khai theo hình thức PPP.
Tổng mức đầu tư sẽ giảm hơn 19.000 tỷ đồng
Trong tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét chuyển đổi 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) gồm: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây sang hình thức đầu tư công, sử dụng 100% vốn ngân sách Nhà nước.
Đáng chú ý, trong tờ trình, Chính phủ nêu rõ khi chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ đảm bảo chắc chắn thành công trong quá trình triển khai dự án và kéo giảm tổng mức đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam từ 118.716 tỷ đồng (Nghị quyết 52/2017) xuống còn 99.493 tỷ đồng (giảm 19.223 tỷ đồng).
Lý giải vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vụ Đối tác công - tư (PPP) cho biết, tổng mức đầu tư của các dự án cao tốc Bắc - Nam giảm sau khi chuyển từ hình thức PPP sang đầu tư công nguyên nhân chủ yếu do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng, giảm chi phí dự phòng trượt giá… so với bước nghiên cứu tiền khả thi.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/