|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đẩy mạnh tái cơ cấu để tiếp tục tăng trưởng

11:33 | 03/01/2017
Chia sẻ
Trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam gợi mở Việt Nam cần nỗ lực hơn để chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, kiểm soát chi tiêu công và nợ công, giải quyết nợ xấu, khẩn trương hơn với cải cách DNNN.

Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển trong khu vực?

Việc duy trì được tăng trưởng kinh tế cao đã giúp nhiều quốc gia trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong ba thập kỷ qua và đạt được thành tựu đáng khâm phục về giảm nghèo.

Tuy nhiên, việc duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao đã xuất hiện rất nhiều thách thức. Từ tốc độ tăng trưởng trung bình 8,3% trong giai đoạn 2006-2010, ADB dự báo GDP của các nước đang phát triển trong khu vực châu Á chỉ đạt trung bình 5,7% giai đoạn 2016-2017.

day manh tai co cau de tiep tuc tang truong
Ông Eric Sidgwick

Sự sụt giảm này có thể lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, nổi lên là việc khi các nước trở nên thịnh vượng hơn thì hiệu ứng đuổi kịp (hay là thuyết hội tụ trong kinh tế) sẽ không còn phát huy tác dụng. Sự phục hồi và tăng trưởng trì trệ ở các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã làm giảm nhu cầu đối với xuất khẩu từ khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Cải thiện năng suất hay chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất là câu chuyện đã được bàn tới nhiều ở Việt Nam, vậy vấn đề ở đây là gì?

Tăng trưởng của Việt Nam cần giảm phụ thuộc vào các “yếu tố đầu vào” theo cách gọi của các nhà kinh tế, cụ thể hơn là lao động, vốn đồng thời phải cải thiện, nâng cao năng suất lao động nhiều hơn nữa. Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã chỉ ra rằng, lao động Việt Nam có năng suất thấp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/5 Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore. Đây là một điều rất đáng phải suy nghĩ.

Còn rất nhiều việc phải làm ở tầm hoạch định chiến lược, từ xây dựng chính sách đào tạo nhân lực, phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động, đến hỗ trợ phát triển, thay đổi công nghệ và khuyến khích sáng tạo trong DN. Như vậy không chỉ dựa vào những nỗ lực của nhà nước mà cần cả sự tham gia tích cực của DN cũng như từng cá nhân tham gia vào lực lượng lao động trong xã hội.

Nói đến vấn đề ngân sách, kiểm soát chi tiêu công và nợ công cũng như vấn đề nợ xấu, khuyến nghị của ông là gì?

Thách thức ngay tới đây là duy trì thâm hụt ngân sách trong giới hạn 4% trong năm 2017. Dù chi ngân sách tăng phần nào sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng nhằm đảm bảo tính bền vững của nợ công thì cần phải kiểm soát chi ngân sách chặt chẽ.

Việc xử lý nợ xấu cũ chưa dứt điểm trong khi vẫn có nguy cơ nợ xấu mới phát sinh có thể tạo ra những rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Việt Nam cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý tài sản đảm bảo, tiến tới phát triển thị trường mua bán nợ theo những tiêu chuẩn quốc tế với cơ chế định giá các khoản nợ xấu một cách minh bạch, công khai để thúc đẩy hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường, cùng với việc nâng cao năng lực và cơ sở pháp lý cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và các bên có liên quan để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xử lý nợ xấu.

day manh tai co cau de tiep tuc tang truong
Kinh tế năm 2017 trong khó khăn vẫn có nhiều điểm sáng

Gắn vấn đề này với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xin ông cho biết một số nhận định của mình?

Là một trong những đối tác phát triển đã đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam trong phát triển khu vực tài chính - ngân hàng nhiều năm qua, ADB rất hoan nghênh những nỗ lực và quyết tâm của NHNN trong tái cơ cấu hệ thống các TCTD.

Tái cơ cấu các TCTD là một quá trình rất phức tạp, nhạy cảm và đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, bộ, ngành có liên quan. Mặc dù còn rất nhiều việc cần phải làm, nhưng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đem lại những kết quả bước đầu hết sức quan trọng. Đó là tái cơ cấu gắn liền với các giải pháp xử lý nợ xấu nhằm duy trì an toàn hoạt động ngân hàng và lành mạnh hóa tình hình tài chính của các TCTD, đẩy mạnh đổi mới để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.

Chúng ta đã chứng kiến một giai đoạn mới trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn từ NHNN, bao gồm cả việc mua lại bắt buộc các TCTD yếu kém.

Với việc ban hành các Thông tư quy định các chuẩn mực mới về quản trị, an toàn hoạt động và giám sát hệ thống ngân hàng, NHNN đã tiệm cận sát hơn thông lệ quốc tế về quản trị, quản lý, giám sát hoạt động ngân hàng. Tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ có những bước tiến xa hơn.

Đặt trong tổng thể tái cơ cấu chung thì đâu là vấn đề quan trọng nhất thời gian tới?

Để theo kịp sự phát triển của các nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan hay Trung Quốc thì Việt Nam sẽ cần phải có tăng trưởng ở mức 8-9%/năm trong hai thập kỷ tới. Chính phủ và các đối tác phát triển đều nhận thấy, việc đẩy mạnh cải cách tái cơ cấu là thiết yếu để Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng và phát triển.

Theo khuyến nghị của các đối tác phát triển, điều quan trọng nhất là phải đẩy nhanh cải cách DNNN sâu rộng hơn. Đây là những vấn đề đã được nhắc đến tại rất nhiều các hội thảo hay đối thoại chính sách giữa Chính phủ và các đối tác phát triển trong những năm gần đây.

Mặc dù còn nhiều thách thức ở phía trước, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam trong những năm tới, và đặt niềm tin vào những cam kết mạnh mẽ của một Chính phủ hành động và kiến tạo. Niềm tin ấy càng được củng cố khi mà Thủ tướng đã đưa ra những định hướng lớn và cụ thể nhằm mục tiêu tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo tăng trưởng và phát triển công bằng và bao trùm, không ai bị tụt lại phía sau.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lê