|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Davos mong chờ đột phá

14:37 | 21/01/2020
Chia sẻ
Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 50 sẽ diễn ra tại Davos - Thụy Sĩ từ ngày 21 đến 24-1 với sự tham gia của gần 3.000 đại biểu đến từ 118 quốc gia, trong đó có 53 nguyên thủ quốc gia cùng lãnh đạo các tổ chức chính trị và kinh tế.

Chủ đề của sự kiện năm nay là "Các bên liên quan cùng hành động vì một thế giới gắn kết và bền vững". 

Thông qua các phiên họp trong khuôn khổ WEF, các đại biểu sẽ cùng nhau giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách, như biến đổi khí hậu, thương chiến Mỹ - Trung, cải cách hệ thống thuế quốc tế cùng hàng loạt thách thức kinh tế khác.

Theo tạp chí World Finance, WEF trong những năm gần đây chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng và các đại biểu tham dự sự kiện năm nay cần phải thay đổi hướng tiếp cận nếu muốn mang lại đột phá.

WEF dường như đã mất "phép mầu", đặc biệt là ở phương Tây - nơi toàn cầu hóa đang bị từ chối bởi những người ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ. 

Hơn nữa, nhiều vấn đề nóng của những năm trước đến nay vẫn chưa được giải quyết và nhiều khả năng tiếp tục phủ bóng sự kiện năm nay. Căng thẳng thương mại dường như chẳng hề thuyên giảm trong khi biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.

Davos mong chờ đột phá - Ảnh 1.

Cảnh sát tại 1 điểm kiểm tra an ninh bên ngoài Trung tâm Đại hội Davos – Thụy Sĩ hôm 19-1, trước thềm Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Ảnh: REUTERS

Hội nghị thường niên của WEF chưa bao giờ tuyên bố có thể tự tay giải quyết những vấn đề cấp bách mà thế giới đang phải đối mặt. 

Thay vào đó, sự kiện chỉ đơn thuần là để gia tăng nhận thức và kêu gọi giải quyết tích cực hơn nữa những thách thức này. Thông thường, hội nghị được đánh giá là thành công kể cả khi chỉ khơi dậy được một ý tưởng giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Trước phiên khai mạc WEF 2020, tổ chức từ thiện Oxfam (Anh) hôm 20-1 công bố báo cáo cho thấy sự bất bình đẳng giàu nghèo ở mức khủng khiếp. 

Báo cáo khẳng định khoảng 2.153 người giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản lớn hơn khối tài sản của 4,6 tỉ người nghèo nhất thế giới gộp lại trong năm 2019.

"Giàu có cực độ là dấu hiệu của một hệ thống kinh tế thất bại. Các chính quyền phải có những bước đi cắt giảm triệt để khoảng cách giữa những người giàu và phần còn lại của cộng đồng, cũng như ưu tiên bảo vệ công dân trước các hành vi kiếm lời và tăng trưởng không bền vững" - báo cáo khẳng định.

Trong khi đó, WEF nhấn mạnh sự cơ động xã hội lớn hơn có thể giúp giảm khoảng cách giàu nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thêm gần 5% trong thập kỷ tới. 

Để thực hiện mục tiêu này, theo nhà sáng lập WEF Klaus Schwab, doanh nghiệp và chính phủ cần phối hợp để "tạo ra những lộ trình mới hướng đến sự cơ động kinh tế xã hội, bảo đảm mọi người đều có cơ hội thành công công bằng".

Cao Lực