|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đầu tư, xuất khẩu hưởng lợi nhiều từ Trump 2.0, tăng trưởng GDP 2025 dự báo đạt 6,7%

15:39 | 12/12/2024
Chia sẻ
Theo Ngân hàng Standard Chartered dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7% vào năm 2025 nhờ xuất khẩu tăng trưởng tốt và nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng.

Bình luận về kinh tế vĩ mô 11 tháng, các nhà phân tích Chứng khoán KB (KBSV) đánh giá, số liệu vĩ mô tháng 11 cho thấy nền kinh tế vẫn đang duy trì đà hồi phục tương đối tốt như các tháng trước đó.

Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng tăng trưởng lần lượt 8% so với cùng kỳ năm ngoái và 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, luỹ kế 11 tháng năm 2024, xuất khẩu và nhập khẩu tăng 14,4% và 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa thặng dư thương mại lên 24,28 tỷ USD.

Các hoạt động sản xuất tiếp tục giữ đà tăng trưởng ổn định với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngành trụ cột là chế biến chế tạo ghi nhận mức tăng trưởng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó chỉ số ngành sản suất PMI vẫn tiếp tục giữ trên mức 50 điểm trong tháng 11 (50,8 điểm) nhưng giảm nhẹ so với mức 51,2 điểm trong tháng 10.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam từ tháng 5/2023 đến nay. (Nguồn: KBSV). 

Các động lực tăng trưởng truyền thống khác như doanh thu bán lẻ hàng hóa, du lịch, đầu tư công và dòng vốn FDI tăng ổn định. CPI toàn phần tháng 11 tăng 0,13% so với tháng trước chủ yếu do điều chỉnh giá điện. Tính chung 11 tháng, lạm phát bình quân toàn phần tăng 3,69% - phù hợp với mức dự phóng 4% của KBSV và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% của Chính phủ.

"Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế tiếp tục duy trì đà hồi phục tốt trong năm 2025", báo cáo từ KBSV đánh giá.

Tăng trưởng GDP 2025 dự báo đạt 6,7%

Còn theo Ngân hàng Standard Chartered dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7% vào năm 2025, với mức tăng trưởng trong nửa đầu năm đạt 7,5% so với cùng kỳ năm trước và ở mức 6,1% trong nửa cuối năm.

Theo chuyên gia kinh tế của Standard Chartered, Việt Nam vẫn đang đạt mức tăng trưởng tốt. Xuất khẩu tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước trong 10 tháng đầu năm 2024, trong khi nhập khẩu tăng 16,8%, với ngành xuất nhập khẩu hàng điện tử đang tiếp tục phục hồi.

Ngành sản xuất tăng trưởng vững chắc cùng chính sách tiền tệ phù hợp cũng góp phần vào sự phục hồi kinh tế từ đầu năm đến nay. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng, được minh chứng bởi dòng vốn FDI mạnh mẽ.

FDI giải ngân tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước trong khi FDI cam kết tăng 1,9% trong cùng kỳ. Ngành sản xuất chiếm 62,6% tổng vốn FDI cam kết trong giai đoạn đó, trong khi ngành bất động sản chiếm 19%, gia tăng so với cùng kỳ năm trước.

Đồng USD dự kiến sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm 2025 khi các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng Thống Trump được làm rõ và triển khai. Lạm phát kéo dài cùng các yêu tố cấu trúc như hiệu quả kinh tế sẽ tác động đến thị trường ngoại hối, với động lực chính là chênh lệch tỷ giá.

Trump 2.0 sẽ thúc đẩy chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam

Các chuyên gia từ KBSV cũng lưu ý, các chính sách được áp dụng trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ tác động đến hoạt động thương mại của Việt Nam.

Trong đó, các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản có thể sẽ dịch chuyển thêm các công đoạn sản xuất sang Việt Nam. Đây đều là những đồng minh thân thiết của Mỹ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và đang chiếm khoảng hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp FDI lớn từ các quốc gia này vẫn đang nhập khẩu phần nhiều linh kiện từ các cơ sở sản xuất bên Trung Quốc sang Việt Nam. Vì vậy, trong kịch bản Trump muốn làm chặt hơn vấn đề truy soát xuất xứ, các doanh nghiệp này có thể sẽ phải tiếp tục chuyển bớt các công đoạn sản xuất sang Việt Nam.

Ngoài ra, các tập đoàn đa quốc gia khác cũng có thể tiếp tục chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Căng thẳng từ cuộc chiến thương mại tạo thêm động lực cho các công ty lớn chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm rủi ro. Trào lưu này có thể không mạnh như giai đoạn 2018-2022 với các ví dụ điển hình như Apple, Intel, Foxconn, Lego, Sumitomo Wiring Systems... nhưng vẫn là một xu hướng còn tiếp diễn;

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhóm doanh nghiệp FDI này được kỳ vọng vẫn có cơ hội tăng trưởng. Các mặt hàng tiêu dùng điện tử, công nghệ cao, thiết bị dụng cụ vốn nằm ngoài phạm vi áp thuế trong chiến tranh thương mại 2018.

Một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là dệt may, có thể gia tăng sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc khi xuất sang Mỹ. Mặc dù Mỹ có thể áp dụng mức thuế suất từ 10% đến 20% lên hàng dệt may Việt Nam, tác động thực tế sẽ không quá đáng ngại so với mức thuế hiện tại (8% - 25%).

Thậm chí, mức thuế 10 - 20% vẫn còn cạnh tranh hơn nhiều so với mức thuế 60% mà Trung Quốc phải đối mặt – vốn là một trong những đối thủ cạnh tranh chính của hàng dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố hưởng lợi này sẽ được san đều sang một số nước mạnh về gia công khác.

Tuy nhiên, hoạt động của nhóm FDI đến từ Trung Quốc (chiếm tỷ trọng khoảng 20- 30%) có thể sẽ chững lại. Điều này xảy ra khi căng thẳng thương mại gia tăng sẽ khiến các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động xuất khẩu sang Mỹ. Một hệ quả khác là dòng vốn FDI giải ngân mới từ Trung Quốc cũng có thể bị hạn chế.

Mỹ cũng có thể sẽ áp thuế chống bán phá giá nhiều hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày càng lớn, đây là một rủi ro khá rõ nét. Hoạt động xuất khẩu của một số doanh nghiệp trong nước đối với các mặt hàng có dấu hiệu bị hàng Trung Quốc lách xuất xứ có thể bị ảnh hưởng. Một số ví dụ điển hình ở nhóm này là chất dẻo, sắt thép và gỗ.

Rủi ro về tỷ giá gia tăng với xu hướng mạnh lên của đồng USD. Những biện pháp thuế quan đối với hàng nhập khẩu và chính sách hỗ trợ tài khóa sẽ khiến rủi ro lạm phát quay trở lại và Fed có thể sẽ thận trọng hơn với lộ trình cắt giảm suất, trong khi mức lợi suất trái phiếu của Chính phủ Mỹ tăng cao.

Tất cả những yếu tố này đều sẽ củng cố đà tăng của đồng USD. Trong ngắn hạn, USD mạnh hơn sẽ làm tăng rủi ro giảm giá cho VND. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức thấp khoảng 87 tỷ USD (gần bằng ba tháng nhập khẩu), điều này sẽ gây nhiều khó khăn trong việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Hạ An