|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đầu tư vào năng lượng chững lại

20:47 | 29/01/2018
Chia sẻ
Đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn ngành năng lượng (dầu khí, than, điện) đang có dấu hiệu chững lại, thể hiện ở sự suy giảm về số lượng công trình khởi công mới và đưa vào vận hành.
dau tu vao nang luong chung lai Chi phí sản xuất điện gió, điện mặt trời giảm kỷ lục trên thế giới
dau tu vao nang luong chung lai Tham vọng với năng lượng sạch, SBT chi hơn 300 tỷ đầu tư vào Điện Gia Lai
dau tu vao nang luong chung lai DN mía đường, đầu tư tài chính, xây dựng chạy đua làm năng lượng sạch

Hiện tại dư dả

Năm 2017, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống đạt 198,3 tỷ kWh, tăng 8,41% so với năm 2016, nhưng thấp hơn 6,12 tỷ kWh so với kế hoạch đưa ra đầu năm của Bộ Công thương.

Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, năm 2017, khai thác dầu trong nước đạt 13,57 triệu tấn, vượt 1,29 triệu tấn; khai thác dầu ở nước ngoài đạt 1,95 triệu tấn, vượt 30.000 tấn; khai thác khí đạt 9,89 tỷ m3, vượt 280 triệu m3 so với kế hoạch Chính phủ giao.

dau tu vao nang luong chung lai

Nếu không tăng cường tìm kiếm, thăm dò mỏ dầu mới thì nhiều nhà máy điện có nguy cơ thiếu nhiên liệu đầu vào. Trong ảnh: Nhà máy điện Phú Mỹ.

Theo kế hoạch đặt ra cho năm 2018, PVN sẽ khai thác 22,83 triệu tấn dầu khí quy đổi, trong đó, khai thác dầu thô trong nước là 11,31 triệu tấn và khai thác ở nước ngoài là 1,92 triệu tấn.

Cùng với việc khai thác dầu khí vượt kế hoạch và mức giá dầu thực tế vượt 11,2% so với mức giá kế hoạch, nên các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của các đơn vị trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Trong ngành than, sản lượng than nguyên khai đạt 35 triệu tấn, tăng 0,4% so với kế hoạch; than tiêu thụ đạt 35,6 triệu tấn, tăng 1,8%; doanh thu từ than đạt 55.100 tỷ đồng, tăng 1,5% so với kế hoạch và chiếm 50% tổng doanh thu toàn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Lợi nhuận của Vinacomin năm 2017 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng tới 1.500 tỷ đồng so với năm 2016.

Hụt hơi tương lai

Tại Vinacomin, năm 2017, giá trị thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 13.470 tỷ đồng, bằng 89% kế hoạch và chỉ bằng 87% so với năm 2016. Tổng giám đốc Vinacomin, ông Đặng Thanh Hải cho hay, các công trình đưa vào sản xuất năm trước đã và đang phát huy hiệu quả. Chẳng hạn, Nhà máy Gang thép Cao Bằng, Dự án Bauxite - nhôm Lâm Đồng năm 2017 đã làm chủ được công nghệ, giảm giá thành, có lãi trước 1 năm so với chỉ tiêu được duyệt. Dự án Alumin Nhân Cơ đã vận hành ổn định và đạt sản lượng cao.

Năm 2018, Vinacomin chỉ đặt mục tiêu giá trị đầu tư xây dựng cơ bản ở mức 16.670 tỷ đồng, trong đó phần trả nợ khối lượng đã thực hiện trong năm 2017 là 3.800 tỷ đồng.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, EVN đã trở nên “khiêm tốn” khi đầu tư các nguồn điện lớn. Cụ thể, năm 2016, EVN chỉ khởi công mới Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW) hồi tháng 4/2016. Kế hoạch khởi công Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (1.200 MW) được đặt ra vào tháng 12/2017, nhưng đã bị lùi sang năm 2018.

Giảm sút đầu tư còn có EVN. Trong kế hoạch năm 2018, phần đầu tư xây dựng được EVN đặt mục tiêu là 117.842 tỷ đồng, thấp hơn so với con số 130.934 tỷ đồng của năm 2017, hay 134.858 tỷ đồng của năm 2016.

Theo Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An, năm 2018, EVN chỉ dự tính đưa vào vận hành thêm 2 nguồn điện mới với công suất 760 MW, đó là Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (660 MW) và Thủy điện Sông Bung 2 (2 x 50 MW). Năm 2019, EVN cũng chỉ dự kiến đưa vào vận hành thêm khoảng 700 MW nguồn điện mới.

Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia, để đảm bảo tăng trưởng điện năng ở mức 10%/năm, thì mỗi năm, cần có thêm 3.000 - 4.000 MW nguồn điện mới, mà EVN được xác định là trụ cột của ngành điện.

Trong khi đó, nếu có khởi công các nguồn điện mới ngay năm 2018, thì nhanh nhất cũng phải tới năm 2022 mới có nguồn điện bổ sung lên hệ thống.

Cũng trong ngành điện, năm 2018 không có bóng dáng dự án điện mới nào thuộc PVN và các đơn vị thành viên đầu tư được đưa vào vận hành. Hiện PVN đầu tư Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (công suất 600 MW), Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (công suất 1.200 MW), Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (công suất 1.200 MW) và đều đã lỗi hẹn so với tiến độ đặt ra ban đầu.

Ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Phó tổng giám đốc PVN đã bày tỏ mối lo lắng trước thực tế năm 2017, PVN chỉ đạt chỉ tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí là 4 triệu tấn quy đổi. Con số này kém rất xa mức 16,66 triệu tấn của năm 2016. Còn so với giai đoạn 2011 - 2015, gia tăng trữ lượng dầu khí năm đạt thấp nhất cũng là 35,3 triệu tấn và năm cao nhất tới 48,8 triệu tấn.

Các mỏ hiện tại đều đã khai thác trong thời gian dài và đang trong giai đoạn cuối, trong khi số lượng giếng khoan mới rất ít, nên hệ số suy giảm sản lượng hàng năm là 15 - 30%, tuỳ theo mỏ.

Trước đó, năm 2016, PVN đã khai thác 17,23 triệu tấn dầu, còn năm 2015 khai thác được 18,73 triệu tấn.

Cũng trong năm 2017, giá trị đầu tư của toàn PVN chỉ đạt 39.200 tỷ đồng. Trước đó, trong giai đoạn 2011 - 2013, giá trị thực hiện đầu tư toàn Tập đoàn là 252.200 tỷ đồng và năm 2014 đầu tư hơn 82.000 tỷ đồng.

“Trữ lượng hiện có là kết tinh thành quả của bao năm qua, nếu nay không làm ra được nữa cho mai sau, thì đó là lỗi lớn. Tất cả phải bắt đầu từ tìm kiếm, thăm dò. Thiếu thăm dò sẽ thiếu trữ lượng mỏ, không đủ dầu cung cấp cho các nhà máy lọc dầu, không cung cấp được khí, nguyên liệu cho các nhà máy phân đạm, đặc biệt là không có việc làm”, ông Lâm nhận xét.

Thanh Hương