Đầu tư vào Fintech: Nước đi mới của công ty chứng khoán trong thị trường ngày càng cạnh tranh
Chứng khoán Thiên Việt đầu tư vào lĩnh vực Fintech trong bối cảnh thị trường chứng khoán khó khăn
Mới đây, CTCP Chứng khoán Thiên Việt (Mã: TVS) công bố thông tin hoàn tất thương vụ đầu tư vào Finhay, ứng dụng quản lí tài sản đang được định giá khoảng 1 tỉ USD (tương đương gần 23.500 tỉ đồng) của nhà sáng lập Acorns (Mỹ).
Đây được coi là một bước đi mới của Chứng khoán Thiên Việt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang ở trong giai đoạn khó khăn với sức ép cạnh từ cả công ty chứng khoán nội và các đối thủ mới từ nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc.
Chịu sự tác động của nhiều "ông lớn", kết quả kinh doanh của Chứng khoán Thiên Việt đi xuống rõ rệt sau con sóng lịch sử của thị trường chứng khoán năm 2017 - 2018, thể hiện qua sự thu hẹp về qui mô doanh thu cũng như biên lợi nhuận.
Giai đoạn thị trường trầm lắng 2013 - 2016, doanh thu của Chứng khoán Thiên Việt duy trì ở quanh mức 170 tỉ đồng mỗi năm, trong đó năm 2014 tăng lên trên 200 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế mỗi năm cũng đạt từ 70 - 90 tỉ đồng với biên lợi nhuận trung bình lên đến trên 45%.
Đến giai đoạn thị trường bùng nổ 2017 - 2018, Chứng khoán Thiên Việt ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đột phá. Cụ thể, doanh thu năm 2017 tăng gần 2,5 lần so với năm 2016 lên 413,6 tỉ đồng và đạt đỉnh 486 tỉ đồng trong năm 2018.
Theo đó, lãi sau thuế năm 2017 cũng tăng tương ứng 2,5 lần lên 167,8 tỉ đồng, đây cũng là mức cao nhất từng đạt được trong lịch sử hoạt động của công ty chứng khoán này.
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường chứng khoán lao dốc từ quí II/2018 đã gây nhiều khó khăn cho Thiên Việt cũng như nhiều công ty chứng khoán khác. Mặc dù doanh thu đạt kỉ lục 486 tỉ đồng, lợi nhuận đã bắt đầu sụt giảm xuống 140,6 tỉ đồng, biên lợi nhuận thu hẹp từ 41% xuống còn 29%.
Chưa dừng lại ở đó, thị trường tiếp tục diễn biến bất lợi trong năm 2019, cùng với sự đổ bộ của các công ty Hàn Quốc với lợi thế chi phí vốn rẻ khiến cạnh tranh trong ngành chứng khoán các trở nên khốc liệt.
Theo đó, doanh thu Chứng khoán Thiên Việt đã bắt đầu giảm 13% xuống 420,7 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế cũng giảm tới 22% xuống 110,2 tỉ đồng. Biên lợi nhuận tiếp tục thu hẹp xuống còn 26%, thấp nhất kể từ năm 2013.
Ban lãnh công ty cho biết, thị trường chứng khoán năm 2019 nhiều diễn biến biến bất lợi đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của công ty, theo đó doanh thu mảng tự doanh và môi giới chứng khoán giảm đáng kể so với cùng kì năm trước.
Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm từ 269 tỉ đồng xuống 226,8 tỉ đồng; trong khi doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán giảm từ 21,5 tỉ đồng xuống 8,4 tỉ đồng.
Đã bước chân vào lĩnh vực Fintech từ năm 2007
Thực tế, Chứng khoán Thiên Việt đã bắt đầu bước chân vào mảng Fintech từ năm 2007 khi đầu tư vào CTCP dịch vụ Di Động Trực Tuyến, hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán trên di động với sản phẩm ví điện tử Momo.
Dữ liệu trong BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2019 cho thấy, khoản đầu tư này có giá trị gần 28 tỉ đồng, tương đương 917.404 cổ phần. Finhay cũng đã xuất hiện trong danh mục đầu tư của Chứng khoán Thiên Việt từ trước đó, nhưng mới chỉ ở mức 7.071 cổ phần tương đương giá trị 8 tỉ đồng.
Ngoài ra, Chứng khoán Thiên Việt cũng nắm giữ 50.000 cổ phần của CTCP Viễn thông Tinh Vân trong lĩnh vực phát triển phần mềm.
Đối với danh mục chứng khoán đã niêm yết, đến hết năm 2019, Chứng khoán Thiên Việt đang nắm giữ 352,5 tỉ đồng giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán, với giá trị đầu tư gốc là 323 tỉ đồng.
Các khoản đầu tư lớn nhất gồm ACB (66,3 tỉ đồng); MWG (45,6 tỉ đồng); PNJ (41,2 tỉ đồng); SSI (26,2 tỉ đồng); FPT (22,4 tỉ đồng) và TCB (21,4 tỉ đồng). Ngoại trừ khoản đầu tư vào SSI lỗ hơn 27%, các khoản còn lại đều có lãi (theo giá trị tại ngày 31/12/2019).
Công ty chứng khoán này cũng sở hữu giá trị khủng 2.070 tỉ đồng tiền tạm gửi tại ngân hàng, tăng thêm hơn 200 tỉ đồng so với cuối năm 2018 và chiếm tới 69,3% tổng tài sản.
Nguồn vốn này được huy động từ các tổ chức tài chính với chi phí lãi vay khá rẻ so với mặt bằng chung, chỉ từ 5,7% đến 8,5% trong khi nhiều CTCK khác thậm chí phải huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu với lãi suất lên đến 10%.
Như vậy có thế thấy, với nguồn tiền dồi dào đang sở hữu trong khi thị trường chứng khoán đang có nhiều khó khăn, việc đầu tư vào ứng dụng công nghệ của Chứng khoán Thiên Việt là một bước đi mới nhằm mở rộng kinh doanh và gia tăng thị phần.