|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đầu tư của EU giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa

07:19 | 21/12/2016
Chia sẻ
Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) vào tháng 12/2015. Đây là một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong lộ trình tăng cường quan hệ song phương toàn diện và sâu sắc, đặc biệt là quan hệ thương mại, đầu tư với EU. 

Để hiện thực hóa lợi ích của Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU đã thống nhất sẽ nỗ lực hoàn tất quá trình phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực vào năm 2018.

Bên lề hội thảo "EVFTA: Cơ hội thu hút đầu tư vào công nghiệp tại Việt Nam" do Bộ Công Thương phối hợp với dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (Mutrap) tổ chức sáng 20/12, tại Hà Nội, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã có một số trao đổi với phóng viên về những tiềm năng và cơ hội từ hiệp định này.

- Ông đánh giá thế nào về những cơ hội mà hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu mang lại trong thời gian tới?

Ông Bùi Huy Sơn: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU là một hiệp định với phạm vi rất rộng và có độ cam kết rất cao. Có thể nói cho đến thời điểm này, EVFTA là hiệp định thương mại tự do có phạm vi rộng nhất và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam

Chúng ta đã kết thúc đàm phán với liên minh châu Âu vào cuối năm 2015 và khẩn trương hoàn tất rà soát các thủ tục pháp lý để hy vọng có thể sớm ký kết trong năm 2017 cũng như có hiệu lực vào năm 2018 nhằm phát huy được tác dụng của nó trong việc tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và liên minh châu Âu.

Quan trọng hơn, hiệp định này sẽ giúp ích thúc đẩy cho tiến trình cải cách cơ cấu kinh tế của Việt Nam cũng như là cải cách thể chế, Việt Nam có điều kiện và nền tảng phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế trong nước không chỉ với Liên minh châu Âu mà cả với các đối tác khác trên thế giới.

dau tu cua eu giup viet nam day nhanh tien trinh cong nghiep hoa
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Ở một góc độ mà chúng ta mong muốn, đó là Việt Nam sẽ có những cơ hội để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, vậy ông đánh giá thế nào về những tiềm năng trên?

Ông Bùi Huy Sơn: Với hiệp định EVFTA chúng ta có nhiều cam kết ở nhiều lĩnh vực khác nhau và đều có tác động tích cực dù là trực tiếp hay gián tiếp trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nhờ đó giúp thu hút đầu tư từ ​EU, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp.

Chúng ta đã biết, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cải cách cơ cấu kinh tế, trong đó chúng ta khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất cũng như xuất khẩu.

Và để thực hiện mục tiêu đó thì để thu hút đầu tư từ liên minh châu Âu, một đối tác với nguồn vốn dồi dào, đặc biệt là có công nghệ cao và thị trường ​lớn nhất thế giới ​sẽ là một trong những giải pháp giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa.

Nói về việc đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, chúng ta có thể đánh giá, xem xét rộng hơn không chỉ là các nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị sản xuất mà kèm với đó là các hoạt động đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động công nghiệp.

Ví dụ như hoạt động tư vấn thiết kế, hoạt động chuyển giao công nghệ, hoạt động phát triển công nghiệp môi trường, một trong những lĩnh vực rất quạn trọng chúng ta luôn gắn với việc phát triển đầu tư để phát triển kinh tế một cách bền vững.

Đáp ứng mục tiêu này thì hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU có rất nhiều cam kết các lĩnh vực khác nhau đều đồng thời đóng góp vào mục tiêu chung là tạo ra được một môi trường đầu tư rất cạnh tranh cho các doanh nghiệp châu Âu, một môi trường thương mại thuận lợi để họ có thể tiêu thụ sản phẩm sau khi đầu tư sản xuất ở Việt Nam và một môi trường chính sách thông thoáng, chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các nhà đầu tư châu Âu.

Tôi nghĩ rằng một loạt các cam kết khác nhau về cạnh tranh, về sở hữu trí tuệ, về thuận lợi hóa thương mại về thủ tục hải quan minh bạch, thông thoáng và rất nhiều cam kết khác liên quan đến môi trường cũng như điều kiện cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước sẽ là một đảm bảo toàn diện cho các nhà đầu tư châu Âu khi họ muốn đầu tư tại Việt Nam.

Trên thực tế, cho đến nay Việt Nam đã thu hút trên 23 tỷ USD đầu tư từ EU, đó là thực tế khẳng định sức hút môi trường đầu tư của Việt Nam và tôi tin rằng sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực thì sức hút đó về môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ còn tăng lên rất nhiều.

- Đối với hiệp định này thì quy tắc xuất xứ rất quan trọng, vậy ông có lời khuyên nào với các doanh nghiệp để có thể tận dụng tối đa những quy định này.

Ông Bùi Huy Sơn: ​Quy tắc xuất xứ không phải chỉ riêng với hiệp định EVFTA mà với các hiệp định thương mại tự do khác cũng rất quan trọng. Đây chính là cơ sở để hưởng các ưu đãi về thuế, về mở cửa thị trường và kèm theo đó là các ưu đãi về đầu tư sẽ được hiện thực hóa.

Ở góc độ cá nhân, tôi cũng khuyến nghị các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hãy nghiên cứu một cách kỹ lượng các cam kết, các quy định rất cụ thể về việc xác định xuất xứ đối với các sản phẩm.

Cần nói thêm rằng, khi đàm phán hiệp định với EU, Việt Nam đã đàm phán được cam kết cho phép cộng gộp quy tắc xuất xứ các phần nguyên liệu từ các nước ASEAN khác và đặc biệt là từ các nước đã có hiệp định FTA với châu Âu và cả Việt Nam mà cụ thể hiện nay là Singapore và Hàn Quốc.

Như vậy, các nhà đầu tư khi đầu tư kinh doanh sản xuất hàng hóa thì nguồn nguyên liệu và linh kiện của họ từ ASEAN và từ các nước như Singapore và Hàn Quốc cũng sẽ được cộng gộp trong xuất xứ hưởng ưu đãi của sản phẩm.

Do vậy, đây là một yếu tố hết sức thuận lợi để giúp ích hơn nữa cho các nhà đầu tư khi họ tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam do hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông.

Đức Duy

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.